Tổng thống Nga Putin phê duyệt học thuyết hạt nhân mới

TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 đã phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân dài 8 trang, trong đó nêu rõ Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường do một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Quyết định cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã "bật đèn xanh" để Ukraine phóng tên lửa tầm xa của Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Bản cập nhật của học thuyết nêu rõ các mối đe dọa mà lãnh đạo Nga sẽ cân nhắc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Trong đó bao gồm: Một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường, máy bay không người lái hoặc máy bay khác.

Học thuyết cũng quy định, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga của một quốc gia là thành viên của một liên minh, sẽ được Mátxcơva coi là hành động gây hấn của cả liên minh.

Mục tiêu của Nga là đảm bảo đối phương "nhận ra rằng sự trả đũa là điều không thể tránh khỏi" nếu nước này bị tấn công. Các đồng minh quân sự của Nga cũng được hưởng sự bảo vệ tương tự.

Tổng thống Nga là người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về việc có sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này hay không. Ông cũng có thẩm quyền truyền đạt ý định và hành động liên quan đến những vũ khí đó cho các quốc gia khác.

Các quốc gia nên nghiên cứu học thuyết hạt nhân của Nga

Phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các lãnh đạo nước ngoài nên nghiên cứu kỹ lưỡng học thuyết hạt nhân mới của Nga.

Theo ông Peskov, đây là "điều cực kỳ quan trọng" và nên "được phân tích cặn kẽ cả trong nước và có thể là ở nước ngoài".

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Một số đồng minh của Mỹ đã xác nhận thông tin này, nhưng Washington chưa lên tiếng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần đề nghị được cấp phép tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây. Ông được cho là đã thúc giục Mỹ triển khai tên lửa hành trình Tomahawk ở Ukraine và đe dọa sẽ phóng chúng vào Nga.

Khi được hỏi rằng liệu việc triển khai như vậy có kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân của Nga theo học thuyết mới hay không, ông Peskov từ chối trả lời trực tiếp.

Ông khẳng định Mátxcơva có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh bị đe dọa.

Theo RT, Reuters