Các cuộc thảo luận là một phần của kế hoạch dự phòng cho kịch bản Iran tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã trình bày nhiều phương án khác nhau trong cuộc họp, nhưng Tổng thống Biden chưa cho phép tiến hành bất kỳ hành động nào, và hiện không có cuộc thảo luận nào về vấn đề này, nguồn tin cho biết thêm.
Một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định, cuộc họp không được thúc đẩy bởi thông tin tình báo mới, mà nhằm mục đích đánh giá "các kịch bản một thận trọng" nếu Iran làm giàu uranium đến mức độ vũ khí.
Các cố vấn của Tổng thống Biden đã thảo luận về việc liệu tình hình ở Trung Đông có thể biện minh cho hành động can thiệp của Washington, hoặc có trao cho ông Biden "quyền và cơ hội để tấn công" hay không, Axios viết.
Theo nguồn tin, mặc dù có một số ý kiến nội bộ ủng hộ một cuộc tấn công nhanh chóng khi khả năng phòng thủ và tầm ảnh hưởng trong khu vực của Iran bị suy yếu, nhưng không có khuyến nghị nào được đưa ra.
Israel tin rằng Iran đã "bị cô lập" sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar Assad ở Syria sụp đổ, và đồng minh chính của họ trong khu vực - phong trào Hezbollah - đã bị suy yếu đáng kể do các cuộc tấn công gần đây của quân đội Israel.
Điều này có thể thúc đẩy Iran đẩy nhanh chương trình hạt nhân, tạo ra cơ hội cho một cuộc tấn công phủ đầu của Israel.
Ngày 2/1, Chính phủ Iran nhắc lại lập trường theo đuổi năng lượng hạt nhân một cách hòa bình trong khi vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán mới, miễn là Tehran được đối xử "tôn trọng", theo Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ không hiệu quả với Tehran, ngay cả chính sách "gây sức ép tối đa" mà Mỹ từng áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
"Họ càng áp đặt lệnh trừng phạt và gây sức ép lên Iran, thì Iran sẽ càng phản kháng", ông Araghchi nói và kêu gọi các quốc gia phương Tây đối xử với Iran một cách tôn trọng. "Nếu họ lựa chọn các cuộc đàm phán công bằng, chính đáng và nói bằng ngôn ngữ tôn trọng, chúng tôi sẽ phản ứng tương tự".
Iran từ lâu đã phủ nhận tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, khẳng định các hoạt động hạt nhân của nước này chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự. Năm 2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới, gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận với Iran. Kể từ đó, Iran đã tăng cường năng lực làm giàu uranium. Và các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân cho đến nay vẫn thất bại.
Tháng trước, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi tuyên bố Iran đang "tăng tốc đáng kể" quá trình làm giàu uranium lên tới độ tinh khiết 60%, gọi diễn biến này là "rất đáng lo ngại".