Tổng thống Ai Cập thị sát căn cứ quân sự giữa tin đồn can thiệp vào Lybia

TPO - Việc Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi thị sát căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Trung Đông và châu Phi của quân đội nước này cho thấy khả năng Ai Cập can thiệp vào tình hình chính trị tại Lybia-quốc gia láng giềng, là có cơ sở.

Ngày 16/4, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã bất ngờ có cuộc thị sát căn cứ quân sự  lớn nhất của nước này Mohamed Naguib.

Căn cứ quân sự Mohamed Naguib được đặt theo tên của cố Tổng thống Mohamed Naguib, lãnh tụ của cuộc cách mạng năm 1952 chấm dứt chế độ quân chủ ở Ai Cập. Căn cứ này chính thức được khai trương vào 22/7/2017 dưới sự chủ trì của Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi.

Đây là căn cứ quân sự lớn nhất ở khu vực Trung Đông và toàn bộ châu Phi. Căn cứ Mohamed Naguib đặt tại thành phố el Hammam, phía Tây Alexandria, bên bờ Địa Trung Hải (Ai Cập).

Theo thông tin, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi thị sát căn cứ này là để đảm bảo sự an toàn khu vực biên giới giữa nước này với Lybia.

Ai Cập là một trong những nước ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo. Lực lượng này hiện đang tiến công vào thủ đô Tripoli do Chính phủ Hiệp định Quốc gia nắm giữ.

Trước đó không lâu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã gặp Tổng tư lệnh LNA - nguyên soái Khalifa ở Cairo. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình hiện tại ở Libya.

“Tổng thống Al-Sisi đã khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố và phiến quân cực đoan nhằm thiết lập lại an ninh và ổn định cho các cư dân trên khắp Libya”, Thông báo từ văn phòng Tổng thống Ai Cập cho hay.

Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi thị sát căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Trung Đông và châu Phi của quân đội nước này cho thấy khả năng Ai Cập can thiệp vào tình hình chính trị tại Lybia-quốc gia láng giềng, là có cơ sở.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn vệ tinh Nga Sputnik hồi tháng 7/2017, cố vấn quân sự Ai Cập, Thiếu tướng Mahmud Kahalaf cho biết, nước này có toàn quyền để can thiệp quân sự vào tình hình ở Libya và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho quân đội nước này.

Tướng Mahmud Kahalaf cho biết, Quy định về “Quyền can thiệp quân sự vào nước láng giềng” được ghi nhận trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép can thiệp quân sự vào quốc gia láng giềng, nếu tình hình ở nước khủng hoảng đem lại nguy cơ rủi ro cho các nước láng giềng.

Theo quy định này, vấn đề an ninh của Ai Cập trực tiếp phụ thuộc vào tình hình ở Libya, vì hai nước có chung đường biên giới.