Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát toàn bộ doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý. Cơ quan thuế nhấn mạnh tới hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Theo đó, cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất phương án, phối hợp với sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.
“Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Từ đó, cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng cục Thuế yêu cầu.
Thị trường vàng thời gian qua liên tục biến động. Ngày 7/3, giá vàng trong nước lên mức cao nhất trong lịch sử, vàng SJC 81,8 triệu đồng/lượng, nhẫn tròn trơn gần 69 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới 17 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 4 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng. Trước đó, khi vàng SJC chạm mức 80 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp vàng gần như tạm dừng mua vào, hoặc để giá mua vào thấp hơn giá bán ra tới 6 triệu đồng/lượng.
Tại mỗi doanh nghiệp vàng niêm yết mức giá mua vào - bán ra khác nhau, có thể chênh lệch 500.000 - 6.000.000 đồng/lượng (tuỳ theo doanh nghiệp).