Tộc người Bajau, hay còn gọi là “Du mục biển cả” ở Indonesia, từ lâu đã nổi tiếng vì khả năng bơi lặn như “người cá” của mình.
Nhờ quá trình sinh sống trên biển hàng ngàn năm, họ đã tự tiến hóa để phù hợp với môi trường nước. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng lá lách của người Bajau to hơn 50% người bình thường, giúp họ có thể lặn sâu 60 mét dưới biển mà không gặp bất kì trở ngại nào.
Ngoài ra, “người cá” Bajau có thể lặn 13 phút liên tục không cần bình dưỡng khí. Các nhà khoa học nói rằng đây là ví dụ điển hình của việc con người có thể tự biến đổi để phù hợp với môi trường sống.
Hàng ngàn năm qua, tộc người này đã bơi lặn dưới biển, tay cầm theo chiếc giáo dài để bắt cá. Họ có thể lặn sâu hàng chục mét dưới biển mà chỉ cần một chiếc kính bơi và mấy quả tạ.
Lá lách là một cơ quan rất quan trọng vì nó sẽ giúp con người tồn tại khi bị nhúng vào nước lạnh. Khi lặn dưới biển, nhịp tim sẽ giảm dần và lá lách có vai trò điều khiển oxy tới cấp cho các cơ quan trong cơ thể.
Tiến sĩ Melissa Ilardo từ đại học Cambridge, nói: “Những loài hải cẩu bơi lặn dưới biển lạnh có lá lách to hơn bình thường. Do đó, tôi nghĩ rằng người Bajau cũng sẽ sở hữu năng lực lặn biển tương tự khi có lá lách to hơn nhiều người trên đất liền”.
Người Bajau từ bé tới lớn đều ở trên biển và trẻ con có thể giúp bố mẹ đánh bắt cá từ năm 8 tuổi. Cũng vì không sống trên đất liền nên người Bajau không được hưởng các quyền lợi về giấy khai sinh, bảo hiểm xã hội và phúc lợi.