Tòa nhà Keangnam phát sinh hàng loạt vấn đề

TP - TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Trường hợp tòa nhà Keangnam lần đầu tiên phát sinh trong quá trình phát triển tòa nhà hỗn hợp có kèm căn hộ. Nhiều vấn đề đang được đặt ra nhưng chưa có quy định của pháp luật đủ chi tiết để điều chỉnh.
TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Nếu tòa nhà Keangnam bị bán, chủ đầu tư được bán những phần nào?

Điều này phải xem trong hợp đồng mua bán giữa các bên. Về lý thuyết, chủ đầu tư chỉ được bán những gì họ sở hữu, còn người dân đã mua và đã có sổ đỏ thì chủ đầu tư không được bán.

Nếu tòa nhà Keangnam được chuyển nhượng, các cơ quan quản lý phải làm gì để lợi ích các hộ dân được bảo vệ?

Vấn đề không chỉ quỹ bảo trì, còn liên quan tới các dịch vụ trong tòa nhà theo cam kết của chủ cũ. Khi đổi chủ phải ký lại cam kết, cam kết mới có theo cam kết trước hay không phải tùy thuộc hợp đồng mua bán giữa các nhà đầu tư. Ngoài ra, còn tùy thuộc cam kết trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và chủ căn hộ.

Khi chủ đầu tư bán tòa nhà, người dân có quyền được tham gia cùng đàm phán không?

Hiện chưa rõ quy định pháp luật nào cho điều này. Người dân có quyền lợi liên quan trực tiếp, nhưng không phải chủ cả tòa nhà. Chủ đầu tư và chủ căn hộ quan hệ với bên thứ ba như thế nào hiện chưa có văn bản chế tài đủ rõ.

Trong trường hợp tòa nhà Keangnam, cần xác định trách nhiệm các cơ quan quản lý ra sao để tránh sau này xảy ra hậu quả, các cơ quan lại đổ lỗi cho nhau?

Vì chưa có quy định chỉ rõ vấn đề này thuộc cơ quan nào giải quyết, do đó, các cơ quan cần chung tay giải quyết cho tới khi có quy định. Có thể hình thành một cơ quan liên ngành, hoặc Chính phủ giao cho cơ quan nào đó làm đầu mối để phối hợp các bên giải quyết. Trong tương lai, các cơ quan quản lý cần có quy định rõ ràng về hành lang pháp lý, trách nhiệm các bên, chỉnh sửa luật để phù hợp với cuộc sống.

Cảm ơn ông.