Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
11/04/2018 14:30
Dân tộc ta có một truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo tự ngàn đời. Tuy nhiên, gần đây tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong một bộ phận nhỏ song lại rất nghiêm trọng và gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Khái niệm “bạo lực” ở đây được hiểu theo cả hai phương diện tinh thần và thể chất. Điều đáng buồn, không chỉ có bạo lực giữa trò với trò, mà tình trạng này còn xảy ra giữa cả thầy với trò và ngược lại, thậm chí giữa cả phụ huynh với thầy cô.
Tiêu biểu thời gian qua là những vụ: Phụ huynh xông vào trường bắt cô giáo quỳ xin lỗi tới 40 phút ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An, ngày 28/2); phụ huynh lao vào đánh đập cô giáo mầm non đến dọa sảy thai, bắt cô giáo quỳ ngay tại lớp học của Trường mầm non Việt – Lào (TP Vinh, Nghệ An, ngày 22/3) chỉ vì thấy chân con mình có vết bầm nhỏ bằng đồng xu; Nhắc nhở xóa hình xăm, thầy giáo bị học sinh đâm thủng gan (trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngày 5/4); Cô giáo dạy toán hơn 3 tháng không nói gì trên bục giảng (trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TPHCM), điều đáng buồn là cô nữ sinh lớp 11 đã phải chuyển trường chỉ vì dũng cảm nói lên sự thật; Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng (Trường Tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng, vụ việc bị phanh phui vào ngày 3/4)…
Trước thực trạng nhức nhối và đáng báo động nêu trên, báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bạo lực học đường - Góc nhìn thẳng” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo UBVHTTN&NĐ Quốc hội, các chuyên gia giáo dục, đại diện các thầy cô và học sinh.
Cuộc tọa đàm, của tất cả các bên, của “những người trong cuộc” nhằm lý giải căn nguyên của hiện tượng rất đáng lo ngại này, từ đó tìm ra những giải pháp khả thi, cả trước mắt lẫn lâu dài, góp phần chặn đứng xu hướng bạo lực học đường nguy hại hiện nay.
Khách mời của chúng tôi gồm : Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHTTN&NĐ Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ nhiệm UBVHTTN&NĐ Quốc hội; TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng; Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn giáo dục công dân trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội... cùng đại diện các giáo viên và học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Buổi tọa đàm diễn ra từ 14h30 – 16h30 hôm nay 11/4, tại hội trường báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.
Trân trọng mời độc giả đón xem và đặt câu hỏi tương tác với các các vị khách mời của chúng tôi.
Nội dung buổi Tọa đàm sẽ được truyền trực tiếp trên Báo điện tử Tienphong.vn, kênh Youtube, và Fanpage của Báo Tiền Phong (www.facebook.com/www.tienphong.vn)
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các khách về tới địa chỉ Email: online@baotienphong.com.vn, hoặc gửi câu hỏi ở phần Bình luận dưới bài viết này.
11/04/2018 14:36
11/04/2018 14:58
11/04/2018 15:01
11/04/2018 15:17
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn, kiêm Trưởng ban Giáo dục Báo Tiền Phong - người dẫn chương trình buổi tọa đàm đã đặt câu hỏi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Với góc độ là một tiến sĩ tâm lý, và nguyên là hiệu trưởng một ngôi trường tương đối đặc thù, thầy nhìn nhận thế nào về nhận định, bạo lực học đường là phản ánh sự xuống cấp trong xã hội?
Mô hình trường Đinh Tiên Hoàng không chọn lọc đầu vào, mà nhằm giúp đỡ, hỗ trợ học sinh. Chúng tôi nhận cả những học sinh mà không trường nào nhận. Khi phân tích hiện tượng, sự việc chung trong xã hội, chúng ta nhìn nhận theo 3 vấn đề: trạng thái tâm lý của các đối tượng (học sinh, giáo viên, phụ huynh), công tác quản lý của nhà trường, Nhà nước; và cơ sở pháp lý (nội quy, hướng dẫn, chỉ thị của chúng ta đã giúp đỡ, hỗ trợ được đến đâu).
Tôi khẳng định có ảnh hưởng của xã hội vào nhà trường, hai chủ thể này không thể tách bạch. Nhưng tôi không đồng ý đạo đức xã hội đang xuống cấp, bởi đây chỉ là một bộ phận nhỏ. Điều này phản ánh một quy luật, hiện trạng. Giáo dục chúng ta đang mắc phải khiếm khuyết lớn, đó là giáo dục quyền uy, áp đặt, thầy cô trên hết, không quan tâm nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, thầy cô áp đặt quá nhiều vào học sinh, tự cho phép mình có quyền được làm như thế với học sinh. Tôi nghĩ phải chấm dứt tình trạng này mới có thể hy vọng tôi đồng ý phải nâng cao dân chủ trong nhà trường. Chúng ta chưa đem dân chủ vào đời sống thực. Chúng ta cứ nghe học sinh, nhưng lại để đó, không giải quyết ngay.
Nhà trường phải có dân chủ, tự chủ, để nhà trường được phép tự chọn lấy giáo viên, các nhà quản lý trong nhà trường. Hiệu trưởng trước khi là nhà quản lý phải là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Trong vụ giáo viên im lặng, với tư cách đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng không được phép nói không biết, bởi đây là trách nhiệm.
11/04/2018 15:31
Nhà báo Việt Hùng đặt câu hỏi sau khi xem clip về các vụ việc bạo lực học đường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa có thể lý giải vì sao thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như vậy?
TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Vừa xem video clip hiện tượng bạo lực học đường, tôi nghĩ rằng, quá trình hiện đại hóa đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, điều đó kéo theo môi trường văn hóa xã hội thay đổi, đã tác động đến ứng xử trong trường học. Thứ 2, xuất phát từ sự ứng xử thiếu chuẩn mực của phụ huynh học sinh, ứng xử thiếu chuẩn mực của thầy cô giáo. Những sự việc đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nghề giáo.
Theo tôi, điều đó, xuất phát từ việc thiếu sự dân chủ trong nhà trường. Như vụ em Song Toàn ở TP HCM, nếu có sự trao đổi, giải quyết kịp thời sẽ không dẫn đến chuyện đáng tiếc. Tôi đồng ý với ý kiến của thầy Tùng Lâm là trong trường học chưa phát huy hết được vai trò tự chủ, dân chủ. Thầy Lâm nói là, các nhà trường hiện nay tự chủ phải gắn với dân chủ. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định cho các trường mầm non đến phổ thông.
Nhà báo Việt Hùng, tôi cho rằng, khi sự việc xảy ra vai trò quản lý không chỉ ngành dọc mà còn có cả vai trò của chính quyền địa phương. Rất nhiều tỉnh, thành khác không thấy người đứng đầu lên tiếng rốt ráo?
TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Tôi nghĩ vừa qua, trách nhiệm đứng đầu của địa phương đã rất kịp thời. Ví dụ vụ việc ở Hải Phòng, khi xảy ra từ Bí thư, Chủ tịch vào cuộc rất nhanh. Hay như vụ cô giáo im lặng ở TP.HCM cũng vậy.
11/04/2018 15:36
Theo tôi, các thầy cô cần phải có sự chia sẻ trong việc tổ chức hoạt động chuyên môn. Như cô giáo im lặng suốt 3 tháng, tại sao các thầy cô trong tổ bộ môn không biết, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn để làm gì?
Giáo dục Việt Nam vẫn nặng về giáo dục áp đặt. Giáo viên áp đặt lên học sinh. Nhưng khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học có thể thấy, hiện nay về tâm lý của phụ huynh, họ chưa quan tâm đến sự phát triển tích cực của học sinh về tâm lý, mà chỉ quan tâm đến con có giải được bài này, có hiểu được bài kia không.
Tôi nghĩ, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh, thông cảm cho giáo viên, không nóng vội. Vấn đề là phải tổ chức để các em bày tỏ tâm tư nguyện vọng, nhưng phụ huynh lại chỉ tập trung vào con có học giỏi hay không, cho rằng các buổi giao lưu không mang lại hiệu quả, ảnh hưởng đến việc học.
11/04/2018 15:41
11/04/2018 15:46
Sự chủ động trong công tác quả lý phải đề cao hơn. Vai trò, sự tự chủ của nhà trường được thể hiện ở cả vấn đề dân sự và tự chủ trong vấn đề tuyển dụng nhưng thực tế có đáp ứng được vấn này hay không. Tôi nghĩ rằng sự tự chủ và vấn đề bạo lực học đường cũng như sự chủ động của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được thể hiện mạnh mẽ hơn.
Hiện bạo lực học đường đang diễn ra từ hình thức này sang hình thức khách nhưng tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Tôi cho rằng rất nhiều vấn đề chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi, đến chốn, như giải quyết đến tận cùng của vấn đề. Phải giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường, trong đó có ứng xử của học sinh, ứng xử của phụ huynh, ứng xử của nhà trường và quan trọng là sự phối hợp của nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục.
11/04/2018 15:52
11/04/2018 15:57
Việc em Song Toàn phải chuyển trường sau khi lên tiếng vụ giáo viên im lặng suốt ba tháng liệu có phải cho thấy sự thất bại trong giáo dục? Có hay không các nhà quản lý, nhà trường nên tích cực hơn nữa trong việc vận động giữ em ấy ở lại trường?
PGS. Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT: Nói thực sự, xét khía cạnh nhà trường, tâm lý chung của người Việt là ngại va chạm, dẫn đến việc em Song Toàn muốn chuyển đi để tranh những va chạm không hay sau này. Em muốn chuyển sang môi trường mới, muốn tránh những rắc rối tiềm tàng. Hơn thế, chúng ta cũng không thể khẳng định là phía nhà trường, chính quyền địa phương có vận động em ấy ở lại hay không. Tôi nghĩ không nên quy kết về chuyện đó.
Tuy nhiên, tôi đồng ý, trong trường hợp của em Toàn, nếu có nhiều sự đồng tình, thậm chí khen ngợi, nhiều hơn trong bạn bè, nhà trường và các thầy cô thì sẽ tốt hơn, và có lẽ sẽ giữ được em ở lại trường. Về vấn đề tâm lý ngại va chạm, đây có thể là vấn đề giáo dục nhưng trên diện rộng, xuất phát từ vấn đề giao tiếp xã hội hàng ngày, theo quan niệm “dĩ hòa vi quý” của người Việt từ xưa đến nay.
11/04/2018 15:58
Em Song Toàn là một cán bộ lớp, có trách nhiệm với lớp. Em ấy thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận, nhưng chưa đúng quy trình. Nếu em ấy gặp vấn đề với giáo viên, đầu tiên em ấy phải gặp trực tiếp người giáo viên đó. Nếu không hiệu quả, em ấy phải nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm. Đến lúc này mà thầy cô và học sinh vẫn không tìm được tiếng nói chung, các em vẫn còn một kênh là báo lên thầy, cô hiệu trưởng.
Chúng tôi có hướng dẫn các em ấy quy trình cụ thể, nhưng có lẽ em Toàn chưa thực hiện đúng. Về phía nhà giáo, các thầy cô vẫn mang nặng tâm lý là quan trọng phải dạy chữ cho các em, nhưng lại không ý thức được việc phải làm gương cho các em.
Giáo viên phải biết lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó giải quyết mâu thuẫn trong quá trình dạy và học. Về cô giáo im lặng suốt ba tháng, tôi nghĩ, cô giáo này có vấn đề trong suy nghĩ. Theo tôi, trò phải biết rõ trách nhiệm, bổn phận của mình và giáo viên cũng vậy.
11/04/2018 16:05
11/04/2018 16:21
Nhà báo Việt Hùng: Giải pháp chuyển trường cho học sinh Song Toàn không phải là cách hay và Nhà trường cũng không thực hiện được lễ tuyên dương học sinh này để nhân lên tấm gương điển hình như vậy rất đáng tiếc. Xin được hỏi Thứ trưởng, trong thời gian tới, ngành giáo dục có giải pháp gì để không có những sự việc đáng tiếc xảy ra?
Về giải pháp, lâu nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản. Nhiệm vụ, giải pháp trước hết là tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Làm cho học sinh hiểu thế nào là bạo lực học đường và học sinh có kỹ năng ứng xử trước việc đó. Ví dụ, việc học sinh uống nước giẻ lau bảng, em học sinh này không có kỹ năng trước sự việc đó. Vì vậy, chúng ta chú trọng xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cũng là nhằm để chống lại những sự việc đáng tiếc như vừa rồi. Ở đó, trường học tự chủ thì phải phát huy vai trò tự chủ của học sinh và tâm tư thầy cô. Đó là yêu cầu bắt buộc đối với dân chủ trong trường học.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý vấn đề tăng cường đối thoại giữa nhà trường và giáo viên, học sinh. Nhà trường phải có quy tắc ứng xử trong trường học, ở đó thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát các văn bản, điều lệ, quy chế, hoàn thiện các chuẩn nhà giáo, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Yêu cầu các địa phương lập đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, vấn đề do học sinh, phụ huynh thậm chí giáo viên phản ánh. Vừa rồi, để có các sự việc xảy ra, chứng tỏ việc xây dựng môi trường lành mạnh ở một góc độ nào đó vẫn chưa thật sự quyết liệt.
Nhà báo Việt Hùng: Về giải pháp, Thứ trưởng có nói đến vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nghề giáo rất đặc biệt, đặc biệt ở khâu tuyển chọn đào tạo, tránh việc chọn người không phù hợp trên bục giảng như hai trường hợp: giáo viên im lặng 3 tháng, giáo viên cho học sinh uống nước giẻ lau bảng như vừa rồi vẫn lọt vào môi trường sư phạm. Theo thứ trưởng, sắp tới, công tác tuyển chọn sinh viên sư phạm được thay đổi như thế nào? Đi cạnh đó là chế độ chính sách, đãi ngộ giáo viên ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chúng tôi xác định, đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường đội ngũ, nâng cao chất lượng trường sư phạm, trong đó có cả việc xiết chặt đầu vào. Chúng tôi sẽ có những quy định để tuyển chọn những người có năng lực, đào tạo chú trọng chuyên sâu trình độ vừa đào tạo chuẩn cả đạo đức sư phạm. Ngoài ra, các quy chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần sửa đổi, hoàn thiện.
11/04/2018 16:25
11/04/2018 16:30
Chính sách đối với những cơ sở ngoài công lập có được công bằng bình đẳng, để thu hút các thầy cô vào giảng dạy ở các trường này hay chưa? Nếu Nhà nước chỉ phải trả lương cho những giáo viên công lập, và xã hội trả tiền cho các giáo viên ngoài công lập, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, đãi ngộ cho giáo viên tốt hơn, tránh được tình trạng quá tải giáo viên và học sinh…
Tôi nghĩ, lương các nhà giáo phải được xếp cao hơn trong bảng lương công nhân viên chức Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này, mới có thể đặt ra các vấn đề khác.
Tôi muốn nói thêm về vấn đề bạo lực học đường, tôi nghĩ nhiều tồn tại cần phải được giải quyết. Như cô Vân Anh đề cập đến quy trình ứng xử của học sinh, nhưng liệu tất cả học sinh đã được biết đến quy trình này chưa? Một thời gian dài chúng ta áp dụng giáo dục áp đặt, chúng ta phải thay đổi, cho phép học sinh tham gia vào các cuộc đóng góp, trao đổi ý kiến.
Cải thiện môi trường giáo dục để dân chủ, tự chủ hơn. Tôi đồng ý, nhà trường phải minh bạch thông tin, như câu chuyện của em Toàn cũng cần phải được minh bạch. Chúng ta muốn tuyển nhà giáo, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của nhà giáo, xem xét các quy định cũ còn phù hợp trong giai đoạn đổi mới này không.
Những nhà giáo không đáp ứng được sự thay đổi, phải nhường chỗ cho những giáo viên trẻ có năng lực hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao kiến thức cho phụ huynh, để họ thấu hiểu học sinh và cả giáo viên.
11/04/2018 16:31
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Đối với nhà giáo phải làm đồng bộ cả ba khâu: đào tạo, đánh giá và tuyển chọn giáo viên.
Tôi muốn kiến nghị thêm, chúng ta phải phát huy nội lực nhà giáo trong điều kiện lương chưa tăng, đãi ngộ chưa cải thiện. Đó là làm sao khơi dạy lòng yêu nghề trong nhà giáo.
Khi đã có điều kiện, quan điểm của tôi không phải nâng lương đồng loạt, mà chỉ những giáo viên nào đáp ứng được các yêu cầu sẽ được đãi ngộ tốt hơn.
11/04/2018 17:09
Kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Những vụ bạo hành học đường xảy ra trong thời gian qua là những việc rất đáng tiếc, nhưng chúng ta không nên có cái nhìn lệch lạc về đội ngũ nhà giáo. Bởi đây chỉ là những trường hợp cá biệt, “những con sâu bỏ rầu nồi canh, còn đại bộ phận các nhà giáo vẫn tâm huyết, sáng tạo. Chúng tôi luôn nhắc nhở đội ngũ, mỗi nhà giáo hãy là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Sắp tới đây, những vấn đề còn tồn tại, bất cập, Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp đồng bộ giải quyết, bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, từ việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và tuyển chọn. Sau đó là việc xây dựng môi trường, giáo dục nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện.