Ở trước, trả tiền sau
Nhiều năm trước, chị Ngô Thị Huệ cùng chồng ở Hải Phòng khăn gói lên Thủ đô lập nghiệp. Hai vợ chồng thuê một căn nhà cạnh Bệnh viện K cơ sở Tân Triều để kinh doanh quán ăn và nhà trọ. Khách tới thuê trọ chủ yếu là bệnh nhân ung thư đến từ khắp các tỉnh thành lên bệnh viện chạy chữa.
Người mắc phải bệnh này như nhận “bản án tử" cho chính cuộc đời mình. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh phải bán trâu, bán bò, thế chấp từng thửa ruộng, mảnh đất ở quê để có tiền lên Hà Nội chữa bệnh, chị Huệ không khỏi xót xa. Mới đây, bệnh viện bị phong toả để phòng chống dịch, quán của chị Huệ cũng tạm thời đóng cửa, cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn.
Hai tháng gần đây, số tiền bán phở, kinh doanh nhà trọ từ trước tới nay cạn dần, chị quyết định tự bỏ ra 50 triệu đồng để duy trì mặt bằng căn nhà. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng chị vẫn tạo điều kiện cho những người ở trọ bằng cách giảm tiền thuê trọ và động viên họ hàng ngày.
Tựa tấm lưng gầy gò vào hàng rào cách ly, hướng ánh mắt buồn về nơi các bệnh nhân đang ngồi, chị Huệ ngậm ngùi nói: “Nhìn họ khổ mà thấy thương lắm. Chỉ mong mau hết dịch để họ được chữa bệnh, khỏi bệnh rồi thì họ sẽ được về nhà như họ muốn.”
Giống với chị Huệ, anh Mai Văn Tỵ là chủ một nhà trọ khác cũng giảm mức chi phí xuống thấp nhất để giúp đỡ các bệnh nhân trong giai đoạn khó khăn này. Anh Tỵ cho biết: “Tiền thuê trọ trước kia là 150 nghìn/ngày, giờ giảm xuống 100 nghìn, có nhà khó khăn thì giảm còn 80 nghìn. Còn nếu gia đình không đủ điều kiện chi trả thì cho người ta ở không trong thời gian dịch bệnh, sau đó thì tính sau.”
Dịch bệnh xuất hiện không chỉ tước đi cơ hội chữa trị của những bệnh nhân đang ở vạch ranh giới sống, chết mong manh mà còn dồn họ vào đường cùng kinh tế ngặt nghèo. Chính sự tử tế và nhân ái của các chủ trọ đã phần nào giúp họ sống dễ dàng hơn khi bị kẹt nơi “đất khách quê người”.
Những suất cơm tình nghĩa
Khác với khung cảnh vắng lặng, quán xá đóng cửa im lìm sau lệnh phong tỏa Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, cứ vào 7 giờ sáng, quán cơm 171 (đối diện Bệnh viện K) lại nổi lửa, tất bật chuẩn bị như mọi ngày. Thế nhưng, đây là những suất cơm đặc biệt, không chỉ vì nó miễn phí mà còn chứa đựng tình nghĩa xóm trọ bao năm qua.
Đều đặn mỗi ngày, 400 suất cơm được đưa đến tay những bệnh nhân đang sống trong khu vực bị phong tỏa.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán chia sẻ: “Dịch bùng phát, hàng quán đóng cửa, những bệnh nhân đang ở lại không có ai mang cơm tới bởi vì họ là những người ở xa đến chữa trị, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ để họ vượt qua khó khăn lúc này”.
Chi phí thuốc thang, ăn ở vẫn luôn là nỗi lo của những bệnh nhân nơi đây. Những suất cơm đầy đủ thịt, cá,.. được đóng hộp cẩn thận như là món quà cổ vũ tinh thần cho bệnh nhân trong những ngày này. Cứ 10h và 16h30 hàng ngày, những suất cơm sẽ được đưa đến điểm tập kết để phát cho các bệnh nhân.
Chị Hương tâm sự, không chỉ riêng quán của chị, những người dân trong xóm cũng phát huy tinh thần đoàn kết, có gạo góp gạo không thì cũng một vài bó rau, miếng thịt với mong muốn cùng những mảnh đời khó khăn ấy vượt qua đại dịch.
Không dừng lại ở đó, tinh thần đùm bọc lẫn nhau cũng được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng. Đã có nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện ủng hộ gạo, chuyển tiền để quán có thể tiếp tục mang đến những bữa cơm đầy đủ hơn cho những bệnh nhân “xóm ung thư”. Thông qua mạng xã hội, quán cơm đã nhận được số tiền hơn 30 triệu đồng.
Nắm bắt được khó khăn của những bệnh nhân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Hội chữ thập đỏ quận Hà Đông cũng đã kịp thời tiếp sức, mang đến 500 suất cơm mỗi ngày để hỗ trợ bệnh nhân. Các điểm phát cơm gồm tổ dân phố số 14, 15, phường Kiến Hưng bởi đây là nơi có đông bệnh nhân ung thư điều trị ngoại trú thuê trọ để chữa trị.
Anh Trịnh Văn Đạt (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Kiến Hưng) cho biết: “Công tác trao tặng các suất cơm miễn phí được triển khai trong 10 ngày, nhằm chia sẻ những khó khăn với các bệnh nhân ung thư. Đây là một hoạt động ý nghĩa cho thấy được tinh thần chung tay cùng nhau vượt qua đại dịch”.
Chú Nguyễn Viết Huê (Hà Tĩnh) sau khi nghe thông báo đã có mặt xếp hàng từ sớm để nhận cơm. Cầm suất cơm trên tay, chú xúc động kể: “Sau khi nghe tin bệnh viện bị phong tỏa, tôi rất lo lắng. Nhà thì xa, bệnh ung thư vòm họng cần được chữa trị kịp thời nên tôi quyết định không về, ở lại chờ bệnh viện mở cửa để có thể tiếp tục điều trị. Khó khăn là thế nhưng may mắn ở đây mọi người nhận được sự quan tâm của cộng đồng, hàng ngày luôn có các tổ chức phát cơm miễn phí giúp những người bệnh như tôi san sẻ bớt gánh nặng”.