Toàn bộ câu chuyện về “nhà máy dệt” dựa trên thông tin từ tài liệu được giải mật của Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia, Dự án Lịch sử quốc tế về phổ biến vũ khí hạt nhân và Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California.
Thất bại của tình báo Mỹ
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower phải đối diện với một loạt cuộc khủng hoảng liên quan đến Cuba và Lào. Chưa hết, khi mùa thu năm 1960 đến gần, ông Eisenhower còn gặp phải một vấn đề bất ngờ và hệ trọng mà Mỹ chưa từng trải qua: Thông tin tình báo Mỹ xác nhận rằng Israel đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân bí mật ở sa mạc Negev với sự hỗ trợ của Pháp. Mỹ sớm kết luận rằng Israel có thể tìm kiếm năng lực sở hữu vũ khí hạt nhân và coi đây là một mối đe dọa với sự ổn định chiến lược ở Trung Đông.
Israel không muốn cho Mỹ biết về nhà máy hạt nhân này và luôn tìm cách lảng tránh. Tháng 9/1960, Addy Cohen, Giám đốc Văn phòng Viện trợ Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Israel đã đưa Đại sứ Mỹ tại Israel là ông Ogden Reid và một số nhân viên cấp cao đi thăm Công trình Biển Chết - một nhà máy sản xuất kali cacbonat lớn của Israel ở Sdom ven bờ Biển Chết. Không quân Israel dùng trực thăng Sikorsky S-58 để chở người Mỹ từ thủ đô Tel Aviv tới Sdom. Khi họ quay về và bay gần thành phố Dimona, ông Reid đã chỉ xuống khu vực công nghiệp khổng lồ bên dưới đang được xây dựng ráo riết và hỏi Cohen đó là công trình gì. Câu hỏi của Đại sứ Reid không hẳn là vu vơ. Cách đó vài tháng, Đại sứ Mỹ tại Israel đã nghe phong thanh về tổ hợp hạt nhân bí mật đang được xây dựng ở Negev.
Cohen biết về dự án bí mật này vì nó được thảo luận trong một cuộc họp của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, anh ta cũng biết rằng mình không thể tiết lộ với người Mỹ. Giờ đã 87 tuổi và đang sống ở Israel, ông Cohen nhớ lại: "Tôi không chuẩn bị trước cho câu hỏi của ông Reid về khu vực Dimona". Lúc đó, ông chợt nghĩ đến Trostler, một kiến trúc sư là họ hàng của vợ mình và là người đã thiết kế một nhà máy dệt ở Dimona. Cohen chậm rãi trả lời: "Đó là một nhà máy dệt". Vậy là ông Cohen trở thành người đầu tiên tình cờ đặt cái tên "nhà máy dệt" cho dự án hạt nhân bí mật của Israel.
Tác giả của cái tên "nhà máy dệt".
Chính quyền Mỹ phát hiện ra dự án hạt nhân ở Dimona khá muộn vì đã bỏ qua rất nhiều dấu hiệu. Năm năm trước đó, Israel đã ra một cam kết quốc gia bí mật về thành lập một chương trình hạt nhân nhằm tạo cơ hội sản xuất vũ khí hạt nhân. Hai năm sau, Israel đã ký thỏa thuận hạt nhân toàn diện bí mật với Pháp. Và chỉ một năm sau, Israel đã bắt đầu công trình xây dựng trên diện rộng ở khu vực Dimona.
Vậy mà tình báo Mỹ không hay biết. Nếu Mỹ phát hiện ra Dimona sớm hơn 2 năm, thậm chí chỉ cần sớm hơn một năm, Israel có thể không chịu nổi sức ép của Mỹ và thế giới mà phải từ bỏ dự án. Biết được bí mật của Israel, người Mỹ thực sự sốc trước sự táo bạo của dự án hạt nhân.
Ngay từ khi lên nắm quyền năm 1955, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion đã bí mật cho xây dựng một cơ sở hạt nhân để hỗ trợ chương trình quốc gia sản xuất vũ khí hạt nhân. Một quan chức quốc phòng cấp cao tên là Shimon Peres đảm nhận trách nhiệm về dự án này. Trong vòng 3 năm, ông đã làm được điều gần như bất khả thi: biến ý tưởng về một chương trình hạt nhân quốc gia, vốn chỉ là một ý tưởng mơ hồ, thành một thành tựu kỹ thuật thực sự. Ông Peres cho rằng Israel không nên mất thời gian tự mày mò mà phải tìm cho được một nhà cung cấp nước ngoài có thể trao cho Israel một gói hạt nhân toàn diện nhất, phù hợp nhất với chương trình định hướng phát triển vũ khí.
Năm 1958, ông Peres đã vạch ra một kế hoạch tổng thể cho dự án: Pháp sẽ là nhà cung cấp nước ngoài của lò phản ứng và công nghệ liên quan. Na Uy sẽ cung cấp nước nặng và kế hoạch dự phòng. Và Mỹ sẽ được Israel "dúi" cho vai trò là nước ngụy trang cho toàn bộ dự án dưới chương trình "Nguyên tử Hòa bình" của chính Tổng thống Eisenhower. Với cách đó, Israel có thể giấu Mỹ về dự án Dimona. Như vậy, Mỹ đã vô tình ngụy trang cho dự án hạt nhân của Israel thông qua chương trình tài trợ cho Israel xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ công suất 1MW ở Nachal Soreq.
Dự án hạt nhân là một bí mật lớn nhất, được che giấu lâu nhất của Israel. Đây cũng là một bí mật của Pháp và Na Uy. Các nước này đều không muốn Mỹ biết vì kể từ năm 1946, Mỹ đã phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ. Nếu biết về dự án Dimona, Mỹ có thể sẽ gây sức ép để Pháp và Israel ngừng dự án hay ít nhất phải để dự án được quốc tế giám sát.
Thực ra, Mỹ đã biết được những dấu hiệu về dự án Dimona từ trước và lẽ ra có thể ngăn chặn. Năm 1958, một nhà ngoại giao Mỹ ở Tel Aviv biết rằng, Israel đang tiến hành một dự án lò phản ứng hạt nhân nhưng không ai tìm hiểu thông tin đến nơi đến chốn. Năm 1959, Richard Kerry, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Oslo biết Na Uy đang bán cho Israel 20 tấn nước nặng - một thành phần chủ yếu của lò phản ứng Dimona.
Vì Anh đang có thừa nước nặng do Công ty NORATOM của Na Uy cung cấp nên Anh đã bí mật chuyển số nước nặng dư thừa trực tiếp cho Israel. Do đó Công ty NORATOM không cần xin phép Chính phủ Na Uy. Ông Kerry đã báo cáo thông tin này cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ và Bộ Ngoại giao. Thông tin này sau đó chỉ dừng tại cấp Bộ, không hiểu sao không được báo cáo lên cấp trên. Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter cũng không mảy may nghi vấn về việc Israel sẽ làm gì với nước nặng và một lò phản ứng mới.
Đến nay, không ai rõ tại sao 2 thông tin nói trên lại bị "quên lãng". Hẳn có người nào đó trong tình báo Mỹ hoặc Bộ Ngoại giao thông cảm và cố ý che giấu cho Israel. Vậy chính quyền của ông Eisenhower biết về dự án Dimona như thế nào?
Thế khó của người Mỹ
Báo cáo đầu tiên về việc Israel đang bí mật xây một lò phản ứng hạt nhân lớn với sự hỗ trợ của Pháp tới tai Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv qua một nguồn tin Mỹ. Cuối tháng 7/1960, ông David Anderson, một nhân viên của công ty chịu trách nhiệm lắp đặt lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Nachal Soreg, đã báo với Đại sứ quán Mỹ rằng, người Pháp đang xây một lò phản ứng năng lượng nguyên tử công suất 60 MW ở khu vực Beersheba. Anderson được biết dự án này đã được tiến hành khoảng 2 năm và sẽ hoàn thành trong 2 năm nữa.
Khi tình báo Mỹ được Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv thông báo thông tin trên, họ mất khá nhiều thời gian để xử lý thông tin. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã lập danh sách một loạt câu hỏi về quan hệ hợp tác Pháp - Israel liên quan tới các tổ chức tham gia dự án, thông số kỹ thuật lò phản ứng, kế hoạch sử dụng nhiên liệu… CIA đã gửi bộ câu hỏi cho Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu cung cấp câu trả lời. Bộ này sau đó gửi chúng tới Đại sứ quán Mỹ ở Israel, Đại sứ quán Mỹ ở Paris và phái đoàn Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Không ai dành ưu tiên cao cho xử lý yêu cầu của CIA.
Tất cả nỗ lực của các bên trong tìm câu trả lời cho câu hỏi của CIA đều không thành công. Câu trả lời cuối cùng lại đến từ một nguồn tin khác, đó là giáo sư Henry Gomberg thuộc Khoa Kỹ thuật hạt nhân của Đại học Michigan. Khi đang trên đường bay từ Israel về thành phố Ann Arbor ở Michigan, ông đã dừng tại Paris. Do là một cố vấn về vấn đề đào tạo hạt nhân của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel nên ông Gomberg đã biết được thông tin bí mật về dự án hạt nhân của Israel. Ý thức được tầm quan trọng của thông tin, giáo sư Gomberg ngay lập tức muốn chia sẻ với Chính phủ Mỹ.
Ngày 1/12/1960, ông Gomberg tới Washington để dự một cuộc họp chung giữa Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Bộ Ngoại giao. Ông Gomberg khẳng định dự án Dimona rất giống với lò phản ứng Marcoule của Pháp - vốn là một phần của chương trình vũ khí của nước này. Ông cũng cho biết công việc của một số kỹ thuật viên Israel liên quan tới plutonium - dấu hiệu cho thấy Israel muốn có vũ khí hạt nhân.
Thông tin mà ông Gomberg cung cấp đã củng cố niềm tin của CIA. CIA trước đó đã tiến hành một chương trình Đánh giá tình báo quốc gia đặc biệt (SNIE) về Dimona. Đánh giá cho rằng Israel có thể sản xuất plutonium ở cấp độ dùng cho vũ khí trong giai đoạn năm 1963 đến 1964 hoặc có thể ngay trong năm 1962. Đây sẽ là một diễn biến gây sốc trong thế giới Arập và họ sẽ đổ lỗi cho cả Pháp và Mỹ vì đã để Israel phát triển dự án Dimona. Hơn nữa, diễn biến đó sẽ cản trở tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Ngay trong ngày 1/12, Giám đốc CIA đã báo cáo Tổng thống Eisenhower và Hội đồng An ninh Quốc gia về đánh giá của CIA và cung cấp ảnh chụp khu vực Dimona do Tùy viên quân sự Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv cung cấp. Giữa tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Herter gặp Ngoại trưởng Pháp Maurice Couve de Murville ở Paris. Ông này thừa nhận Pháp và Israel có thỏa thuận xây dựng một "bản sao lò phản ứng hạt nhân Marcoule". Theo thỏa thuận, Pháp sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho Israel và nhận pluton do nhà máy của Israel sản xuất.
Phát hiện ra dự án hạt nhân của Israel khiến chính quyền của ông Eisenhower lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi ông chỉ còn một tháng nữa là hết nhiệm kỳ. Do đó, ông Eisenhower phản ứng với sự việc một cách thận trọng. Khả năng đối đầu ngoại giao với Israel đã bị loại bỏ. Mặc dù nhận thức được ý định xây dựng năng lực hạt nhân rõ ràng của Israel nhưng phía Mỹ đã không để lộ sự tức giận và hoài nghi khi tiếp xúc với quan chức Israel. Mỹ tránh cãi vã với Israel và chỉ làm theo hai bước: Thứ nhất, tìm câu trả lời về Dimona và ý đồ của Israel, thứ hai là khuyến khích Israel cho phép các nhà khoa học Mỹ và nhân viên IAEA thăm dự án.
Ngày 22/12, Thủ tướng Israel Ben-Gurion ra tuyên bố về vấn đề Dimona và cam kết lò phản ứng này chỉ hoạt động vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế của Israel. Ông cũng không đồng ý để IAEA thanh sát dự án. Tuy nhiên, Cohen - tác giả của câu chuyện "nhà máy dệt" - lại ám chỉ rằng lò phản ứng ở Dimona sẽ được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân nhằm răn đe các nước Arập chống Israel. Thông tin trái chiều từ ông Ben-Gurion và Cohen đã khiến giới chức Mỹ tức giận.
Rốt cuộc, thách thức mang tên Dimona là quá lớn mà ông Eisenhower không thể giải quyết dứt điểm và nó được chuyển giao cho người kế nhiệm ông là John F. Kennedy. Thủ tướng Ben-Gurion tiếp tục "tua lại" với ông Kennedy y nguyên những gì ông đã nói với ông Eisenhower và tiếp tục từ chối cho IAEA "bén mảng" tới Dimona.
Sau khi phát hiện ra Dimona, vụ việc này bám đuổi các chính quyền Mỹ trong cả thập niên 60. Ba đời tổng thống Mỹ, từ ông Kennedy cho tới Lyndon Johnson và Richard Nixon đều phải xử lý vấn đề này. Trong đó, ông Kennedy chọn con đường cứng rắn nhất trong nỗ lực kiểm soát chương trình hạt nhân của Israel. Ông Johnson nhận ra rằng Mỹ không mấy có ảnh hưởng trong vấn đề này và tìm cách hòa giải. Cuối cùng, sau khi thỏa thuận với Thủ tướng Israel đời sau là Golda Meir, Tổng thống Nixon đã chấp nhận tình trạng hạt nhân không chính thức của Israel miễn là nó còn trong vòng bí mật. Đây là một thỏa thuận gây tranh cãi và được duy trì cho đến tận ngày nay.