Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang phủ bóng lên hầu hết hoạt động ngoại giao ở châu Âu và Mỹ, lịch trình chính thức của Tổng thống Lula không nhắc đến vấn đề này, dù trước đó ông cho biết sẽ bàn các chiến lược thúc đẩy hòa bình với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Từ những gì tôi nghe được, việc loại Ukraine khỏi danh sách các chủ đề của chuyến thăm là do yêu cầu từ Chính phủ Trung Quốc”, Igor Patrick, một nhà nghiên cứu tại Viện Kissinger về Trung Quốc thuộc Trung tâm Wilson, nói với CNN.
“Hiện phía Brazil vẫn quan tâm đến việc nêu vấn đề và thảo luận các ý tưởng để giải quyết xung đột Ukraine, và họ hy vọng tuyên bố chung sẽ đề cập đến xung đột Ukraine, kêu gọi một giải pháp hòa bình và trung gian ngoại giao, nhưng vấn đề đó không nằm trong chương trình chính thức”, Patrick nói.
Trọng tâm của chuyến thăm sẽ chủ yếu về thương mại, về việc đầu tư từ Trung Quốc để giúp Brazil hồi phục kinh tế, cũng như thị trường tín chỉ carbon hấp dẫn.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Brazil từ năm 2009, chi gần 90 tỷ USD nhập khẩu đậu tương, quặng sắt và dầu của Brazil trong năm 2022. Brazil là nước tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc nhiều thứ hai ở Mỹ Latin và là thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc tại Nam Mỹ.
Đoàn do ông Lula dẫn đầu sẽ ký 20 thỏa thuận khác nhau, trong đó có khuôn khổ cho việc các ngân hàng Brazil dùng đồng nhân dân tệ trong thanh toán.
Hai nền kinh tế cũng có thể “bổ trợ” cho nhau bằng cách trao đổi hạn mức carbon.
Thị trường tín chỉ carbon cho phép các quốc gia phát thải ít bán giấy phép cho các nước phát thải nhiều. Hệ thống này giúp các nước phát thải nhiều vẫn đáp ứng được nghĩa vụ quốc tế và giảm ô nhiễm tổng thể trên hành tinh.
Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon sẽ bùng nổ trong thập kỷ này, trị giá 1 tỷ USD trong năm 2021 nhưng sẽ tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2030.
Sở hữu phần lớn rừng rậm Amazon, Brazil có thể trở thành nhân tố chính trên thị trường tín chỉ carbon.
Theo các nhà quan sát, việc Brazil ký thỏa thuận với Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ gửi một tín hiệu đến Washington và phần còn lại của thế giới phát triển, khi phương Tây thường bị chỉ trích là không chú ý đến nam bán cầu: Chúng tôi có thể tìm thấy cơ hội tăng trưởng tốt hơn khi nhìn sang phương đông, thay vì nhìn lên phía bắc.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Lula khác nhiều so với chuyến thăm ngắn của ông đến Washington hồi tháng 2, khi hy vọng rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đóng góp cho một quỹ quốc tế để bảo vệ rừng nhiệt đới ở Brazil trở nên hụt hẫng.
Ảnh hưởng của Mỹ ở Mỹ Latin sau đó hứng thêm một đòn giáng nữa, khi Honduras chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Khi chính quyền Biden hứa hẹn tham gia sâu hơn vào khu vực, đối lập với sự thờ ơ mà chính quyền Trump tiền nhiệm đã thể hiện trong mấy năm trước, thành quả của sự trở lại đó vẫn chưa thành hiện thực, CNN bình luận.