Miền Trung:
Tín dụng 'đen' dồn ép ngư dân
Bài 1: Đầu nậu: Cho vay = ép giá
Luật đầu nậu
Sáng sớm, tại cảng biển Sa Kỳ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Vừa trở về sau chuyến câu mực hơn 2 tháng ở vùng biển Trường Sa, ông Bùi L. (42 tuổi, Bình Châu) - chủ tàu QNg - 951… kiểm kê lại số lượng mực hơn 40 tấn để chia theo tỷ lệ ấn định cho 30 bạn tàu. “Chủ tàu, thuyền trưởng, các bạn tàu sẽ chia theo tỷ lệ khác nhau. Riêng đi bạn hưởng theo sản phẩm thu hoạch nhưng bình thường cứ câu được 10 kg mực, họ phải cắt lại 2 kg cho chủ. Chia như thế để mọi người về bán lại cho các đầu nậu” - ông L. lý giải.
Ngay ở lễ ra mắt HTX, tôi đã kiến nghị với các lãnh đạo tỉnh rằng đã “đẻ” ra thì phải cố gắng nuôi không để HTX chết yểu. Ngay đến kinh phí ra mắt HTX, tỉnh chỉ đạo huyện phải ứng ra để tổ chức. Còn đói vốn, ngư dân còn phải chịu sức ép từ đầu nậu”
Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh
Theo chân các bạn tàu, chúng tôi đến chủ nậu tên Huỳnh Q. (50 tuổi) cạnh cảng cá Sa Kỳ. Những bao mực đen sì, đặc mùi nhanh chóng được giới thương lái tập kết về các kho hàng sơ chế.
Anh Trần Văn Công (31 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) phân trần: “Cực chẳng đã mới phải bán cho đầu nậu. Họ liên tục ép giá. Ở ngoài giá 150 ngàn đồng/kg mực thì ở đây phải giảm đến vài giá. Luật nó thế. Mình không theo thì lần sau biết vay đâu mà đi biển”.
Anh Công nói thêm: Đi bạn, mỗi chuyến lênh đênh 2 - 3 tháng trời, tiền tổn góp với chủ tàu đã hơn chục triệu. Vay ngân hàng không được, phải đến mượn nóng đầu nậu thôi.
Với các chủ tàu, phí tổn các loại cho mỗi chuyến ra khơi có khi bằng cả gia tài. Chủ tàu L. tính: Xăng dầu 20.000 lít, nước 700 can (20 lít/can), gạo, đồ ăn, rau… cho 30-40 bạn tàu. Tính riêng phí tổn mỗi chuyến cho con tàu 350 CV mất hơn 400 triệu đồng. Trong khi đó, các bạn tàu chỉ góp trên dưới 150 triệu đồng. Còn lại chủ tàu phải bỏ hết. Ai vay xuể một lúc hàng trăm triệu đồng như thế. Lụy đầu nậu là điều khó tránh.
Cùng cảnh ngộ, ông Đoàn Ng. (45 tuổi, Bình Châu) chủ tàu QNg 953… tiếc ngẩn số tiền chịu “lãi” từ các đầu nậu sau chuyến câu mực Trường Sa. Ông Ng. nhẩm tính: 1 kg mực mình mất gần 5.000 đồng tiền chênh lệch so với giá thị trường, 1 tấn thì mất 5 triệu đồng. Sản lượng mỗi chuyến bây giờ đạt trung bình 40 - 50 tấn mực, tính ra lãi đó là “cắt cổ”. Giá mực cao thì còn cầm cự được chứ mực xuống giá thì bằng tổn đã là may. Gần 30 năm đi biển, hầu như chuyến biển nào ông Ng. cùng nhiều ngư dân cũng phải tìm đến đầu nậu. Thiên tai, sự khắc nghiệt biển cả khiến hiệu suất khai thác bấp bênh, đời sống ngư dân chưa đủ tích góp nguồn vốn cần thiết cho các chuyến đi biển kế tiếp.
Riêng khu vực cảng Sa Kỳ có hơn chục đầu nậu. Họ vừa là đại lý thu gom vừa là trung gian cho vay tiền trước mỗi chuyến ra khơi. Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch xã Bình Châu cho hay, toàn xã có hàng trăm tàu thuyền xa bờ, chủ yếu đánh bắt khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Giá xăng dầu tăng nhanh, phí tổn cao, ngư dân lại thiếu vốn nên phần lớn phải phụ thuộc đầu nậu. Mỗi đầu nậu có vài ba chục tàu thuyền để cung cấp sản lượng. Hiện địa phương còn trên dưới 30 đầu nậu hoạt động.
Phụ thuộc đầu nậu, ngư dân phải chịu nhiều hệ lụy từ “luật” riêng của giới trung gian này. Các đầu nậu chỉ cần chủ tàu cam kết bằng niềm tin (nói miệng) và vay bao nhiêu tùy khả năng. Càng vay nhiều, mức ép giá bán của các đầu nậu càng cao. Sau mỗi chuyến đi biển, chủ tàu và các bạn thuyền không thể chào bán cho ai khác ngoài đầu nậu.
Đói vốn, lụy tín dụng “đen”
Gần 1 tháng thành lập HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh (xã Bình Chánh, Bình Sơn) với kỳ vọng hỗ trợ cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho tàu thuyền… nhưng đến nay, ngư dân trên địa bàn không dễ thoát khỏi sự lệ thuộc vào đầu nậu. Thôn Minh Tân (Bình Chánh) có đến 4 đại lý thu gom (đầu nậu) hoạt động tấp nập. Tìm đến cơ sở của bà Đức Trà, hàng chục công nhân tất bật sơ chế mực. Tại lò sơ chế của ông Quảng, xe tải hàng chục tấn đang bốc hàng mực khô chuẩn bị xuất sang Trung Quốc. Gần 30 năm làm đại lý thu gom, đầu nậu Quảng phân trần: Lãi vay thị trường hiện cũng lên đến 20 – 30%. Nói ép giá là “oan cho đầu nậu” vì tính ra chúng tôi thu lãi chỉ cao hơn chút đỉnh so với lãi ngân hàng. Nhưng bù lại ngư dân vay vốn dễ, nhanh gọn. Việc ép giá thực chất bù đắp rủi ro. Nếu tàu thuyền gặp nạn, đi biển không hiệu quả làm sao giới đầu nậu có thể đòi tiền ngư dân. Trong trường hợp đó chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tính ra tôi đã ba lần chịu cảnh mất mát lên đến cả tỷ bạc. Nhiều lúc không dám cho ngư dân vay tiền nhưng vì quy luật cung cầu nên “đâm lao phải theo lao” - ông Quảng nói.
Theo đầu nậu Nguyễn N. - đại lý cung cấp xăng dầu cho ngư dân, mỗi chuyến, một tàu nợ vài nghìn tấn dầu, mình phải bỏ ra ứng tiền trước. Tính trung bình 10 tàu câu mực Trường Sa, một đầu nậu phải đầu tư trên dưới 3 tỷ bạc. Khi về, nậu lấy giá cao hơn thị trường 3 - 500 đồng/lít, trong khi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ba năm cung cấp xăng dầu, có tàu nợ 150 triệu đồng tiền dầu nhưng không đòi được vì họ gặp nạn.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thuỷ sản xã Bình Chánh cho biết: Xét thực tế, đầu nậu có tính hai mặt. Mặt tích cực là kịp thời hỗ trợ ngư dân về vốn đầu tư ra khơi. Mặt tiêu cực là ngư dân phải chịu lãi suất cao. Hơn nữa, khi tàu thuyền từ biển trở về, ngư dân phải bán sản phẩm cho đầu nậu với giá thấp hơn giá thị trường. Các ngư dân cũng cho rằng, hiện chủ nậu chuyển đổi phương thức cho vay. Thay vì dồn hết cho chủ tàu, họ “bổ đầu” các bạn thuyền. Chủ tàu đứng ra vay, thực chất là vay cho những người đi “bạn”. Trường hợp tàu gặp nạn, giới đầu nậu vẫn tìm đến những người vay này (đang đi “bạn” tàu thuyền khác) để ép giá mua sản phẩm. Vì thế, trước khi bán hàng, chủ tàu phải chia sản lượng cá mực cho các bạn tàu tùy theo tỷ lệ và hiệu suất của mỗi người, để họ bán cho đầu nậu.
Toàn xã Bình Chánh còn gần 140 tàu thuyền, phần lớn đánh bắt xa bờ với công suất từ 90CV trở lên. Mới đây, 20 tàu thuyền Bình Chánh đã tham gia HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản. HTX cung cấp hậu cần cho các tàu đánh bắt xa bờ về nguyên, nhiên liệu, nhu yếu phẩm, nhất là hỗ trợ tín dụng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho xã viên... Nhưng theo ông Ngọt: Đó là mục tiêu lâu dài, còn lại HTX vẫn phải chịu lép vế trước đầu nậu, còn xã viên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào giới trung gian này. Lý do chính: Thiếu nguồn vốn hoạt động.
Ông Ngọt lý giải, mỗi xã viên góp vốn điều lệ 20 triệu đồng/năm. Nguồn quỹ tự đóng hiện chỉ được 400 triệu đồng, chưa đủ cho một chuyến ra khơi của con tàu 300 - 400CV. Nếu cả 20 tàu cùng ra khơi, thì chi phí lên đến hơn 4,7 tỷ đồng. “Phải giải quyết được cái gốc là nguồn vốn cho ngư dân. Nếu tiếp cận được quỹ tín dụng, nguồn vốn ưu đãi chắc chắn đời sống ngư dân sẽ ổn định, khai thác hiệu quả hơn” - ông Ngọt nhấn mạnh.
Tỉnh đã xúc tiến các giải pháp hỗ trợ ngư dân như thành lập quỹ ngư dân, các HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản, mới đây có cả Nghiệp đoàn tàu cá… nhằm tạo các nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân. Nhưng, do nguồn quỹ hạn hẹp nên chỉ giới hạn các hình thức hỗ trợ. Hầu như làng biển nào trên địa bàn, ngư dân cũng phải phụ thuộc nhiều vào tầng lớp trung gian (đầu nậu)”
Ông Phan Huy Hoàng - Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi