Tiểu thuyết 'Hoa xương rồng' thắng giải 300 triệu đồng

TPO - Tối 26/11, lễ Tổng kết và Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ban tổ chức đã chọn 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết xuất sắc trong gần 500 tác phẩm dự thi đạt chất lượng để trao giải.

Hai năm kể từ ngày phát động, cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của những tác giả là nhà văn chuyên nghiệp đến không chuyên tham gia.

Theo đó, giải Nhất ở thể loại tiểu thuyết được trao cho tác giả Nguyễn Trí với tác phẩm Hoa xương rồng. Nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc sống đầy biến động, thăng trầm của các thành viên trong một gia đình. Giải Nhất thể loại truyện ngắn thuộc về tác giả Trịnh Thị Phương Trà (Phú Yên) với tác phẩm Con đường của Hạ.

Đặc biệt, Hoa xương rồng được viết dựa trên chính cuộc đời tác giả Nguyễn Trí. Cách đây 13 năm, ông từng là nhân vật tâm điểm ở phiên tòa đẫm nước mắt. Ông đã xin giảm án cho chính kẻ giết hại con gái mình.

Các tác giả nhận giải nhất Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn.

Ông cho biết: “Tôi viết tác phẩm này dựa trên chính cuộc đời mình. Mọi diễn biến, biến cố, những đau khổ, thăng trầm trong tác phẩm chính là cuộc đời tôi, gia đình tôi. Nhân vật chính Năm Thao là tôi - người đã bị tai nạn nằm viện, người đã làm đủ nghề để mưu sinh, cực khổ. Vợ tôi - là bà Năm Thao, người đã phải đi vay tiền xã hội đen để lo cho chồng. Con gái tôi - nhân vật Hương, phải bỏ học sớm để phụ giúp kinh tế cho bố mẹ... Tác phẩm này, tôi viết rất nhanh, tất cả chữ nghĩa cứ thế chảy tràn ra, chỉ mất 35 ngày để hoàn tất. Vốn sống đã có sẵn, tôi chỉ cần sắp xếp lại và viết ra. Mỗi tình tiết, mỗi con chữ đều đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt của cả cuộc đời”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi đánh giá, hầu hết tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng cao.

“Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn. Nhiều tác phẩm đã đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản, mà ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Đọc các tác phẩm chúng ta thấy hiện thực cuộc sống tràn đầy, ngồn ngộn, đó là trải nghiệm về cuộc sống của người công nhân nơi xóm trọ, đó là quan hệ chằng chịt nơi nhà máy, là những lo toan, trăn trở khi cuộc sống của công nhân còn nhiều khó khăn, và cả niềm vui vỡ òa khi cán bộ công đoàn bảo vệ thành công, mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo ông Ngọ Duy Hiếu, cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân – người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật nước nhà.

Cuộc thi cũng khẳng định đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của người lao động, vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn đã và luôn là nguồn chất liệu vô tận đối với những tác phẩm văn học, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu Công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động.