Theo phát hiện được công bố bởi các luật sư có liên quan tới quá trình điều tra vụ gian lận điểm thi đầu vào của Trường Đại học Y Tokyo, từ năm 2006 hoặc có thể là sớm hơn, nhà trường đã cố tình sửa điểm thi nhằm giảm bớt số nữ sinh trúng tuyển và đảm bảo nhiều nam sinh có thể trở thành bác sỹ.
Ban đầu, trường này đã phủ nhận và cho rằng, đó là điều không nên xảy ra và cam kết sẽ ngăn chặn nếu tình trạng này tái diễn.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo mới đây, Giám đốc điều hành của trường này, ông Tetsuo Yukioka đã phải xin lỗi công chúng vì việc làm sai trái nghiêm trọng có liên quan tới kết quả thi đầu vào gây bức xúc dư luận và phản bội niềm tin của công chúng. Mặc dù, ông vẫn phủ nhận,ông không hề biết gì về việc làm này cũng như không hề liên quan.
“Tôi nghi ngờ rằng, đã có sự thiếu nhạy cảm trong việc đưa ra những nguyên tắc như vậy trong xã hội hiện đại mà trong đó nữ giới bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới,” ông Tetsuo cho biết.
Vụ can thiệp điểm số này đã bị tiết lộ trong một cuộc điều tra trước những cáo buộc có sự gian lận điểm thi đầu vào của con trai một cựu quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản. Con trai của vị quan chức giáo dục kia đã từng trượt thi đầu vào ba lần và lần này được cộng thêm 20 điểm để đỗ.
Vị quan chức này và vị cựu hiệu trưởng Trường Đại học Y đã bị buộc tội hối lộ và nhận hối lộ.
Cuộc điều tra này cũng phát hiện ra rằng, kết quả điểm thi đầu vào năm nay của trường này đều giảm 20% so với kết quả chấm thi ban đầu và sau đó các nam thí sinh được cộng thêm 20 điểm, trừ những người đã bị trượt thi tới bốn lần.
Cuộc điều tra này cũng cho thấy, những can thiệp tương tự đã xảy ra nhiều năm do trường này muốn ít nữ sinh trở thành bác sỹ kể từ khi họ dự đoán rằng, phụ nữ có thể giảm hoặc chấm dứt sự nghiệp sau khi sinh con.
Theo báo chí Nhật Bản, không rõ có bao nhiêu nữ thí sinh đã bị oan ức như vậy, nhưng hành động này đã được bắt đầu từ năm 2006 và số thí sinh bị ảnh hưởng sẽ là con số không nhỏ.
Theo luật sư Kenji Nakai, phát hiện về việc can thiệp điểm số này được cho là có sự phân biệt giới tính nghiêm trọng. Ông cho biết, cuộc điều tra còn cho thấy, vị cựu hiệu trưởng trường này đã nhận tiền của một số bậc phụ huynh để nâng điểm cho con trai của họ.
Ông Nakai cũng tiết lộ, báo cáo này chỉ mới xem xét kết quả cuộc thi gần đây nhất do giới hạn thời gian. Ông cho rằng, cần thiết có nhữngcuộc điều tra sâu rộng hơn.
Phụ nữ Nhật Bản là một trong số những nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới. Hơn 50% phụ nữ Nhật Bản tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thế nhưng họ thường bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Tiết lộ này đã càng tăng sức nặng cho những cáo buộc về sự phân biệt giới tính vẫn đang tồn tại trong giáo dục và công sở ở Nhật Bản mặc cho các nỗ lực của đương kim Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm tạo ra một xã hội mà phụ nữ có thể tỏa sáng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, việc phân biệt đối xử đối với các nữ thí sinh trong cuộc thi đầu vào tại trường đại học y này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông cho biết, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã lên kế hoạch kiểm tra các thủ tục xét tuyển đầu vào của tất cả các trường y trong cả nước.
Các mạng xã hội ngập tràn các bình luận bày tỏ sự bức xúc. Một cư dân mạng viết: “Tôi 29 tuổi và có thể tôi không bao giờ kết hôn do phụ nữ thật đáng thương khi họ đã phải chịu thiệt thòi khi kết hôn, sinh con”.
Một người khác viết: “Tôi đã phớt lờ những lời khuyên của cha mẹ tôi khi nói rằng phụ nữ không thuộc về các trường đại học, nhất là những trường đại học tốt nhất Nhật Bản. Thế nhưng, chính xã hội lại tạo ra sự phân biệt đối xử như vậy”.
Bộ trưởng Bộ bình đằng giới Seiko Noda nói với đài NHK rằng: “Cực kỳ bất công nếu trường đại học này không cho các nữ sinh đỗ chỉ vì họ nghĩ rằng phụ nữ khó trở thành nữ bác sỹ”.