Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - chia sẻ như vậy tại chương trình tập huấn “Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả” được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp Tổng Công ty Điện lực miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 10/6.
Theo ông, mỗi gia đình thường có từ 30 - 50 thiết bị sử dụng điện. Trong đó điều hòa, bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ… là những thiết bị ngốn điện nhất. Khi được nhắc nhở sử dụng tiết kiệm điện, nhiều gia đình vẫn nghĩ chỉ có cách tắt hết đi, không dùng gì cả thì mới tiết kiệm.
“Trên thực tế, chỉ cần chúng ta tìm hiểu kỹ sản phẩm, thay đổi hành vi sử dụng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì vừa tiết kiệm, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mình”, ông Nguyên nói.
Với điều hòa, thiết bị giúp các gia đình đương đầu với những ngày nắng nóng, thường chiếm 30-35% hóa đơn tiền điện. Có nhà dùng quá nhiều chiếm tới 70%, ông Nguyên lưu ý các hộ dân nên lựa chọn điều hòa biến tần, dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Công suất phải phù hợp với diện tích phòng, đặt nhiệt độ 26 độ trở lên và dùng chung với quạt. Nên bật chế độ điều chỉnh gió đa hướng, một số loại có luôn tính năng tiết kiệm điện thì kích hoạt tính năng này. Ông lưu ý thêm, trong một gia đình, nhiều người cùng dùng chung điều hòa, tránh mỗi phòng một chiếc để bớt lãng phí.
Tủ lạnh hoạt động quanh năm và hầu như gia đình nào cũng có, thiết bị này chiếm khoảng 18% hóa đơn tiền điện. Ông Nguyên gợi ý, nếu gia đình dưới 3 người, đi chợ hàng ngày chỉ nên mua tủ có dung tích khoảng 110 lít; một tuần đi chợ một lần thì mua tủ khoảng 200 lít. Với tần suất như trên, gia đình 4 - 5 người nên mua tủ khoảng 150 lít và 230 lít. Khi mua tủ nên chọn loại biến tần, có ngăn chứa, cửa mở riêng biệt. Đặt tủ cách tường ít nhất 5 cm, tránh nhồi nhét đồ chật tủ và hạn chế mở tủ quá lâu.
“Ti vi, máy tính…. thì ưu tiên màn hình phẳng công nghệ LED, có kích thước phù hợp với nhu cầu, có chức năng tiết kiệm điện. Khi tắt nhớ tắt bằng nút nguồn thay vì điều khiển, vì ở chế độ stand by vẫn tiêu thụ điện. Với tất cả các thiết bị điện, mọi người phải nhớ tắt khi không sử dụng”, ông nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - nhìn nhận, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Ông Trung chia sẻ thêm, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Trong đó có việc khuyến khích hộ gia đình áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện như: Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng vật liệu cách nhiệt, thiết bị gia dụng là sản phẩm tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm…