> Không thu phí đường bộ gần 1 triệu xe ngoại tỉnh
> Hà Nội ban hành hướng dẫn thu phí xe máy
Thu vượt kế hoạch vẫn thiếu
Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, đến thời điểm này, nguồn thu của quỹ đạt khoảng 3.600 tỷ đồng. Với tiến độ đó, tổng mức thu trong năm 2013 ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, vượt con số khoảng 4.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu.
“Trong giai đoạn đầu, có nhiều khoản chi khác ngoài việc sửa chữa đường được lấy từ quỹ, như: Giải quyết chế độ cho các công nhân ở các trạm thu phí (bị xoá bỏ sau khi quỹ đi vào vận hành - PV), hội họp, xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến quỹ... Phải hết giai đoạn này, quỹ mới thực sự đưa hết vào bảo trì, bảo dưỡng đường”
Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ
Theo ông Minh, nguyên nhân của “vượt kế hoạch” là do sau khi chủ trương thu phí đường bộ được thực hiện, các chủ xe nhận thấy mức phí không quá cao nên đã đóng trước. “Một năm với xe ô tô con là 1,56 triệu đồng. Nhiều người mua xe mới đã đóng cho cả chu kỳ đăng kiểm của 2 năm” – ông Minh nói. Vì thế, tuy năm nay, nguồn quỹ tăng cao, nhưng năm sau có khả năng sẽ thấp hơn vì các khoản thu trước này.
Theo quy định, tổng vốn của quỹ sẽ được phân bổ về địa phương 35% (hiện các địa phương đang thành lập quỹ, tiền sẽ được chuyển về vào tháng 9 này) để bảo trì đường cấp tỉnh. Phần còn lãi (65%) sẽ được giữ lại quỹ trung ương để chi cho bảo trì quốc lộ.
Ông Minh cho rằng, cộng với nguồn ngân sách cấp bổ sung cho bảo trì đường bộ năm nay khoảng 1.500 tỷ đồng, tổng kinh phí để bảo trì quốc lộ năm 2013 là trên 4.000 tỷ đồng.
“Nếu tính đầy đủ, nhu cầu bảo trì đường bộ mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Kinh phí của quỹ để bảo trì vẫn chưa đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số tiền như vậy là rất đáng quý” – ông Minh nói.
Về khả năng quỹ bị thất thu, ông Minh xác định là có. Bởi vì, phí đường bộ được thu qua các trạm đăng kiểm, nhiều xe trốn đăng kiểm nên trốn luôn việc đóng phí bảo trì. Trả lời PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Nguyễn Hữu Trí cho biết, hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa và những xe cũ nát, nhưng chưa thể thống kê hết.
“Nếu trốn nộp phí đường bộ vĩnh viễn thì các chủ xe này sẽ không bao giờ đăng kiểm nữa, trốn tránh lực lượng chức năng. Còn nếu vì lý do gì đó, chưa kịp đi đăng kiểm, nộp phí bảo trì, chúng tôi sẽ truy thu” – ông Trí nói.
Làm sao để tiền không trôi tuột
Chuẩn bị đưa Quỹ Bảo trì nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp cầu đường, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ”. Trong bản đề án này, có các giải pháp đáng chú ý: Tăng cường xã hội hoá thông qua đấu thầu để chọn DN bảo trì, sửa chữa đường; tách bạch quản lý nhà nước và thi công bảo dưỡng đường.
Người dân giám sát chất lượng công trình, bằng cách “công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của nhà thầu, tư vấn giám sát và đơn vị quản lý nhà nước tại từng địa bàn để người dân và tổ chức phản ánh về tình hình chất lượng tuyến đường”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam (đơn vị chủ lực cụ thể hoá bản đề án này), cho biết: Tổng cục đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để mời các nhà thầu tham gia bảo dưỡng 6 quốc lộ trong tổng số 11 quốc lộ sẽ triển khai đấu thầu trong năm nay.
Năm 2014 sẽ đấu thầu 30% quốc lộ và 2015 sẽ đấu thầu 100% quốc lộ hiện có (cả nước có 95 quốc lộ). “Trước đây, tiền cấp cho bảo trì đường bị trôi tuồn tuột. Bây giờ, việc bảo trì đang dần triển khai qua đấu thầu và kiểm tra thường xuyên để khắc phục”, ông Thắng nói. Ngay trong tháng 9 này, Tổng cục Đường bộ tổ chức 4 đoàn để kiểm tra công tác bảo trì trên cả nước.
Về việc công khai số điện thoại và email các đơn vị liên quan đến bảo trì tại các địa bàn, ông Thắng cho biết sẽ triển khai ngay sau khi xác định được các đơn vị trúng thầu bảo trì quốc lộ. “Việc công khai thực hiện bằng nhiều cách, có thể sẽ ghi trên các biển báo cắm bên cạnh tuyến đường” – ông Thắng nói.