Nhưng tại đám tang những người thiệt mạng, trợ lý tư lệnh hải quân Nga Sergei Pavlov nói: “Bằng mạng sống của mình, họ đã cứu mạng sống của đồng nghiệp, cứu con tàu và ngăn chặn một thảm họa toàn cầu”. Tuy nhiên theo tường thuật của nhiều tờ báo, ông Pavlov đã không nói rõ “thảm họa toàn cầu” này là gì và các thủy thủ đã làm gì để ngăn chặn nó.
Vụ hỏa hoạn, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, khởi phát từ khoang chứa pin của con tàu và rồi từ đó lan ra. Theo Popular Mechanics, điều này gợi ý rằng lửa là hậu quả của việc phát sinh khí hydro bên trong con tàu.
Các tàu ngầm, ngay cả tàu ngầm hạt nhân, đều mang theo nhiều pin để cung cấp nguồn điện tạm thời, và khí hydro được sản sinh trong quá trình nạp lại điện cho hệ thống pin. Nếu nồng độ khí hydro đạt đến một mức cao, một tia lửa trong con tàu có thể khiến một đám cháy xuất hiện.
Theo Bộ trưởng Shoigu, thủy thủ đoàn đã chiến đấu với ngọn lửa trong một giờ rưỡi. Cho dù thiết bị dập lửa tự động đã được kích hoạt, nó tỏ ra là không đủ. Các thủy thủ còn sống sót đã tìm cách kích hoạt một cơ chế trong trường hợp khẩn cấp và con tàu đã nổi lên mặt biển, ngoài khơi bán đảo Kola và sau đó những người còn sống được cứu thoát.
Tàu Losharik chứa bên trong 7 quả cầu rộng 6m bằng titanium kết nối với nhau. Mỗi quả cầu là một khoang tàu. Các quả cầu này giúp tàu có năng lực lặn sâu tới 1.000m, có tài liệu nói tàu lặn sâu tới 3.000-3.500M (trong khi tàu ngầm thông thường chỉ có thể lặn tối đa 800m).
Chưa rõ lò phản ứng hạt nhân công suất 5megawatt của tàu Losharik đặt ở đâu, nhưng con tàu chỉ dài 70m với thủy thủ đoàn, hệ thống động lực, các thiết bị phục vụ hoạt động đều ở trong 7 quả cầu titanium. Lửa chắc chắn không xa lò phản ứng hạt nhân, nhưng nếu lò phản ứng và khoang chứa pin được bố trí trong các quả cầu khác nhau, chúng cũng có thể là hai quả cầu đặt cạnh nhau. Căn cứ vào những gì ông Shoigu nói thì có vẻ đây chính là những gì đã diễn ra trong thực tế.
Nhưng theo bài nhận định của Popular Mechanics, ngay cả khi lửa bắt vào khoang chứa lò phản ứng, ít có khả năng nó có thể gây ra “một thảm họa toàn cầu” như quy mô của vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986. Lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm Losharik chỉ sản sinh công suất 5 megawatt, trong khi đó lò phản ứng hạt nhân RBMK tại nhà máy điện Chernobyl có công suất lớn hơn rất nhiều và cũng sử dụng nhiều hơn rất nhiều nhiên liệu hạt nhân vì nó sản sinh tới 3.200 megawatt.
Vậy nên, khi trợ lý tư lệnh hải quân Nga, trước các quan khách dự đám tang của 14 thủy thủ xấu số, có nói họ “bằng mạng sống của mình đã cứu mạng sống của đồng nghiệp, cứu con tàu và ngăn chặn một thảm họa toàn cầu”, có lẽ cũng chỉ là một cách nói hoa mỹ và việc ông Sergei Pavlov không nói cụ thể hành động cứu cả thế giới ấy như thế nào cũng dễ hiểu, chứ không hẳn nó ẩn chứa điều bí mật ghê gớm nào.