Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 'Quan trọng nhất phải giữ được hòa bình, độc lập, tự chủ'

TP - Trò chuyện với Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Thống nhất đất nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, khi nói về thắng lợi quân sự, ai cũng say sưa, ai cũng cảm thấy anh hùng, nhưng ít nói đến cái đau xót, cái giá phải trả rất lớn. Do đó, trong thời đại ngày nay, khi đất nước đã có được toàn  vẹn chủ quyền lãnh thổ, cái quan trọng nhất là làm sao giữ được hòa bình, độc lập, tự chủ.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Ðộc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ảnh: TL.

“Khí chất” của dân tộc Việt Nam

Mỗi dịp cận kề ngày 30/4 lịch sử, thống nhất đất nước, Thứ trưởng nhận định gì về ý nghĩa lịch sử của ngày giải phóng, cũng như bài học rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước?

Mỗi năm vào dịp 30/4, chúng ta thường nghĩ về sự vĩ đại của chiến thắng đem lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Chúng ta ôn lại những trận đánh, những tấm gương hy sinh trong cuộc chiến hết sức khó khăn này. Nhưng về sau này, vào mỗi dịp 30/4, tôi lại thường suy nghĩ: Chiến thắng đó để lại di sản gì cho đất nước? Mang lại động lực gì cho sự phát triển đất nước trong hơn 40 năm qua? Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và là vấn đề không bao giờ cũ, không có giới hạn.

Rõ ràng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà dấu ấn quan trọng nhất là chiến thắng 30/4/1975 đã thể hiện dân tộc Việt Nam đầy chính nghĩa, đầy quả cảm, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do. Cùng với độc lập, tự do, hòa bình, chiến thắng ấy khẳng định bản lĩnh, giá trị của dân tộc, của đất nước. Giá trị ấy là nền tảng, động lực cho sự phát triển của dân tộc, của đất nước. Trong hàng trăm, hàng nghìn năm nữa, lịch sử vẫn sẽ ghi nhận - thời đại Hồ Chí Minh là thời đại sáng chói nhất.

Chúng ta tự hào có nền quốc phòng mạnh, tin cậy, đủ khả năng hóa giải, xử lý những xâm hại từ bên ngoài hoặc những bất ổn từ bên trong, đảm bảo được hòa bình bền vững cho đất nước. 

Ông Nguyễn Chí Vịnh

Tôi muốn nói đến “khí chất” của dân tộc Việt Nam, càng trong khó khăn, ác liệt thì càng có động lực vươn lên mạnh mẽ; cả thời chiến và thời bình. Đấy cũng chính là sự kế thừa tư tưởng “dám đánh, quyết đánh và biết thắng” trong chiến tranh sang “dám đổi mới, quyết đổi mới và biết đổi mới thắng lợi” trong thời bình.

Trên con đường xây dựng và phát triển, so với các quốc gia khác, chúng ta bất lợi vì buộc phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, với nhiều đối thủ lớn; ra khỏi chiến tranh lại bị bao vây, cấm vận. Điều quan trọng nhất, thành công nhất trong những năm qua là Đảng, Nhà nước giữ vững độc lập, tự chủ, không ngả về bên này, bên kia; tự quyết, lựa chọn đường lối đúng đắn, giữ ổn định chính trị xã hội, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa để phát triển đất nước.

Một bài học quan trọng rút ra từ chiến tranh là làm sao giữ được hòa bình để phát triển đất nước, không để xảy ra các cuộc chiến tranh khác nữa? Ngày nay, chúng ta có độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị rồi thì phải giữ cho bằng được hòa bình, để bảo vệ những cái đang có, đã có, để tiếp tục phát triển. Khi nói về thắng lợi quân sự, ai cũng say sưa, ai cũng cảm thấy anh hùng, nhưng cũng phải hy sinh nhiều lắm, đau xót lắm, cái giá phải trả rất cao. Cái quan trọng nhất trong thời đại bây giờ là phải giữ được hòa bình, ổn định và phát triển - đấy mới chính là anh hùng.

Ông Nguyễn Chí Vịnh.

Thuận hòa với thế giới

Muốn giữ được hòa bình cho đất nước thì trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về hội nhập, hợp tác, đối thoại, niềm tin rất là quan trọng. Vậy trước những yêu cầu đấy chúng ta đã thực hiện như thế nào, nhất là trong công tác đối ngoại quốc phòng?

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nước nào cũng có nhu cầu hòa bình, ổn định, phát triển. Nhưng vì sao trên thế giới vẫn có nhiều nơi luôn mất ổn định - đó là một nghịch lý. Ai cũng muốn hòa bình mà sao lại như vậy?

Bởi lợi ích quốc gia, dân tộc là vấn đề hàng đầu và sự cọ xát giữa lợi ích quốc gia, dân tộc chính đáng với lợi ích quốc gia, dân tộc hẹp hòi, phiến diện luôn làm nóng tình hình quốc tế. Một số quốc gia, nhất là các nước lớn, có tham vọng muốn giành những cái không phải của họ hoặc họ nghĩ là của họ. Một số quốc gia thì không giữ được độc lập, tự chủ; dựa vào bên ngoài để giải quyết bên trong, khiến đất nước trở thành nơi thực thi chiến lược của các nước lớn; các phe phái bên trong đánh nhau theo ý đồ của các thế lực bên ngoài. Đấy là điều bất hạnh cho dân tộc, nhân dân của họ.

Theo tôi, điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất là chúng ta phải giữ được độc lập, tự chủ, độc lập về định hướng chính trị, phát triển kinh tế, độc lập về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm về độc lập không phải chỉ để chúng ta biết mà cần làm cho cả thế giới biết và tôn trọng, công nhận khi quan hệ với Việt Nam. Chúng ta không quan hệ với bất kỳ ai mà họ không muốn chúng ta độc lập, hoặc hành xử không tôn trọng độc lập, tự chủ của chúng ta. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hội nhập, mở cửa, thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Giống như một căn nhà phải có nhiều cửa thì mới “thông khí”, cân bằng “âm dương”, tránh bị gió lùa, khí độc. Chính là đảm bảo cho chúng ta cân bằng về mặt chiến lược, không thiên lệch về bên này, bên kia; thuận hòa với thế giới.

Một điều quan trọng nữa là ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng, thực hiện đúng các cam kết quốc tế và cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải như vậy đối với ta. Các nước đến với ta nghĩa là họ chia sẻ lợi ích với ta, không tham vọng thôn tính. Khi ta có biến động, lợi ích của họ cũng bị xâm hại nên sẽ cùng phải bảo vệ chính lợi ích của họ. Đó là ý nghĩa, giá trị sâu xa của việc cùng nhau tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ðại diện thành phố Ðà Nẵng và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đón chỉ huy, thủy thủ đoàn của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson (ảnh nhỏ) tới thăm thành phố Ðà Nẵng tháng 3/2018.

Ðủ khả năng hóa giải, xử lý những xâm hại từ bên ngoài

Ðể đất nước độc lập tự chủ việc xây dựng và phát triển quân đội tinh nhuệ, từng bước hiện đại cũng là yêu cầu đặt ra. Vậy trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay đặt ra những thuận lợi và thách thức gì trong công cuộc bảo vệ độc lập của đất nước?

Chúng ta cần phân biệt 2 khái niệm quốc phòng và quân sự.

Quốc phòng là sức mạnh của cả quốc gia, dân tộc để bảo vệ đất nước. Bảo vệ không chỉ trong chiến tranh mà là đối phó với mọi khả năng xâm hại đến lợi ích của đất nước; mọi khả năng bị tổn thương của đất nước. Đặc trưng, bản chất quốc phòng Việt Nam là tính toàn dân. Quốc phòng được xây dựng trên nền tảng lịch sử, trên thành quả những chiến thắng, trong đó có đại thắng 30/4/1975.

Tình hình đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng mạnh; không nhằm xâm hại ai mà để khi có áp lực từ bên ngoài, lập tức chúng ta sẽ đề kháng, tự đẩy ngược áp lực đó ra. Nói nền quốc phòng mạnh mà phải dùng đến chiến tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là hạ sách. Chúng ta tự hào có nền quốc phòng mạnh, tin cậy, đủ khả năng hóa giải, xử lý những xâm hại từ bên ngoài hoặc những bất ổn từ bên trong, đảm bảo được hòa bình bền vững cho đất nước.

Nền quốc phòng mạnh không đồng nghĩa với quân đội quy mô lớn. Quân đội cần xây dựng vừa đủ để đảm bảo cho sức mạnh quốc phòng của đất nước; không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Trong hoạch định chiến lược quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội là một nội dung quan trọng, nòng cốt của xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Chúng ta xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động linh hoạt; có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao. Trong thời bình đủ khả năng ngăn ngừa, đối phó với mọi âm mưu, ý đồ xâm lược, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh.

Ngoài hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, giữa Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều hợp tác khác, trong đó có hợp tác Quốc phòng mà mới đây nhất tàu sân bay của Mỹ đã cập cảng Ðà Nẵng trong chuyến thăm 5 ngày. Theo ông chuyến thăm này có ý nghĩa biểu tượng như thế nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ?

Trước hết là chúng ta khẳng định độc lập tự chủ. Quan hệ quốc phòng là một trong những nội dung quan hệ giữa quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện. Thứ hai và quan trọng nhất là chúng ta quan hệ về quốc phòng để khẳng định với Mỹ rằng đừng bao giờ để xảy ra cuộc đối đầu lần thứ hai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đừng để hai quân đội đối đầu một lần nữa.

Chúng ta không quan hệ với bất kỳ ai mà họ không muốn chúng ta độc lập, hoặc hành xử không tôn trọng độc lập, tự chủ của chúng ta. Ðó là nguyên tắc quan trọng nhất hiện nay. 

Ông Nguyễn Chí Vịnh

Chúng ta lựa chọn chính sách quốc phòng đa phương hóa, đa dạng hóa nên chúng ta quan hệ với mọi quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập tự chủ, chế độ chính trị của nhau. Trong số những nước mà chúng ta quan hệ có nước từng là cựu thù. Điều đặc biệt trong quan hệ quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ là quân đội hai bên đã đối đầu ác liệt trên trên chiến trường; quân đội Mỹ đã thua quân đội của một nước nhỏ. Điều kiện quan trọng trong quan hệ là Mỹ phải tôn trọng việt Nam trên tư cách một quốc gia độc lập, tôn trọng chiến thắng của chúng ta đối với họ trong quá khứ. Do đó, quan hệ giữa Việt Nam và Hòa Kỳ dù chậm nhưng theo tôi là phù hợp. Duy trì quan hệ tốt, hai bên cùng có lợi; để Mỹ thấy rằng họ không có lý do gì để xâm lược Việt Nam và cũng không để ảnh hưởng tới quan hệ của ta với bất kỳ quốc gia nào.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam. Nó cũng giống như tàu của các nước khác thăm Việt Nam; bày tỏ sự mong muốn hợp tác và không gây phương hại đến các nước khác.

Không làm chủ được vận mệnh của mình, đất nước sẽ lãnh hậu quả

Trong bối cảnh thế giới diễn ra phức tạp, nhiều bất ổn, khó lường, như các vấn đề xảy ra ở Syria và chúng ta cũng đã từng trải qua nhiều giai đoạn nóng bỏng trên biển Ðông. Vậy chúng ta phải làm gì để giữ được hòa bình, độc lập, tự chủ để phát triển đất nước trong thế giới luôn biến động hiện nay?

Chúng ta đã nhận thức rất rõ về hậu quả của chiến tranh và cái giá phải trả  để có hòa bình, độc lập, tự chủ. Chúng ta cũng có những bài học về việc bị các nước lớn chi phối. Khi không làm chủ được vận mệnh của mình, đất nước sẽ lãnh hậu quả. Nếu để đất nước mất ổn định hoặc bị nước ngoài chi phối thì chỉ mang bom đạn rải lên lên đầu nhân dân mình, đất nước mình.

Do đó, bài học quan trọng nhất là làm sao không để xảy ra chiến tranh. Muốn vậy trước hết phải giữ được ổn định đất nước; ổn định chính trị, xã hội, để giữ vững độc lập, hòa bình, tự chủ. Làm sao để nhân dân tin vào Đảng, Nhà nước, chính quyền là điều vô cùng quan trọng.

Điều quan trọng nữa là phải độc lập tự chủ, không đứng về phía nào. Chúng ta quan hệ với tất cả các nước, nhưng ai xâm hại đến lợi ích quốc gia thì chúng ta kiên quyết chống. Chúng ta chống bằng sức của mình. Trường hợp buộc phải chiến tranh thì chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng. Nhưng nếu tránh được chiến tranh mà vẫn giữ được toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết là mục tiêu cao nhất. Và tôi tin rằng với đường lối đúng đắn như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều đó.

Nhìn lại 43 năm ngày miền Nam giải phóng, trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều hợp tác để khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là các dự án tẩy rửa dioxin. Vậy việc triển khai các dự án trên có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng niềm tin, khắc phục chiến tranh, hòa bình, hướng tới tương lai giữa Việt Nam và Mỹ?

Khắc phục hậu quả chiến tranh là vấn đề của thế giới. Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ có nội dung: “Không để hậu quả chiến tranh gây hại cho môi trường phát triển trên toàn thế giới”.

Việt Nam là nước chịu nhiều cuộc chiến tranh, nên đương nhiên khắc phục hậu quả chiến tranh là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và vô cùng khó khăn.  Hậu quả chiến tranh không chỉ đơn thuần là bom mìn, nó còn là vấn đề tâm lý xã hội, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ... Đặc biệt là vấn đề dioxin, trên diện rộng, chưa từng có trên thế giới; gây hậu quả cho nhiều đời sau. Rõ ràng, bức tranh về hậu quả chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Vấn đề lớn, quan trọng nhất là: (1) Con người. Chúng ta cần chăm lo cho  gia đình liệt sỹ, thương binh; những nạn nhân của bom mìn, chất độc hóa học... Chiến tranh đã trôi qua 30-40 năm, không thể để kéo dài việc bom mìn gây thương vong cho trẻ nhỏ; tác động xấu đến tâm lý xã hội. (2) Môi trường phát triển. Vừa rồi, chúng ta công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn, màu đỏ thể hiện ô nhiễm rải khắp đất nước. Đất đâu để trồng trọt, quỹ đất đâu để liên doanh phát triển kinh tế?

Đây là 2 vấn đề mà chúng ta phải sớm khắc phục, giải quyết dứt điểm. Từ sau năm 1975, đảng, Nhà nước đã coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị. Giao cho quân đội và nhiều ban, ngành khác tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh.

Cho đến nay, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực, công nghệ để đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả bom mìn-chất độc do chiến tranh để lại. Do vậy, cần hợp tác quốc tế. Chủ trương của Đảng, Nhà nước trước hết là hợp tác với chính người gây ra cuộc chiến tranh; đấu tranh để họ thừa nhận hậu quả và khắc phục những gì đã gây ra. Chính người dân Mỹ cũng đấu tranh đòi chính phủ, quốc hội Mỹ phải hợp tác với Việt Nam.

Thực tế, Mỹ đã hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trên nhiều lĩnh vực; làm được một số việc để lại dấu ấn. Mỹ hỗ trợ về tài chính, công nghệ, trang thiết bị và biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả bom mìn, về y tế, tái hòa nhập cộng đồng... Vấn đề dioxin rất gay go và còn lâu dài. Mỹ đã hỗ trợ tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Cam kết sẽ hợp tác khắc phục, tẩy độc dioxin ở Biên Hòa; nơi ô nhiễm nặng hơn, mức độ lan tỏa lớn hơn, theo tính sơ bộ thì gấp 5-7 lần ở Đà Nẵng.

Ngoài Mỹ, nhiều nước và tổ chức quốc tế hoặc giúp đỡ trực tiếp, hoặc hỗ trợ bằng nhiều kênh, hình thức hiệu quả. Như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Liên hợp quốc, EU... Họ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam chân thành và nhân đạo. Tôi tin rằng, với nỗ lực chung của Chính phủ, của nhân dân và nguồn lực từ hợp tác quốc tế, chúng ta cố gắng đến 2030, cơ bản khoanh vùng, làm sạch và khắc phục các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, dioxin ở Việt Nam, không để ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân; không để cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Xin cảm ơn Thượng tướng!