Thăng hoa trong đại dịch
Kể lại cơ duyên bỗng dưng chuyển hướng làm sản phẩm nước rửa tay, trong khi trước đó Mỹ Hảo chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm như nước rửa chén, bột giặt, nước hoa…, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo bộc bạch: “Khi đại dịch COVID-19 bùng mạnh ở Việt Nam hồi tháng 3/2020, không chỉ khẩu trang mà nước rửa tay sát khuẩn cũng trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Nước rửa ray có khi lên tới hàng trăm ngàn đồng/sản phẩm, mà không phải muốn mua là có. Vậy làm sao người có thu nhập thấp mua được? Vậy là tôi quyết định sẽ “nhập cuộc” vào thị trường nước rửa tay”.
Với công nghệ và máy móc sẵn có, chỉ trong vòng đưa đầy 15 ngày, Mỹ Hảo đã cho ra mẻ sản phẩm gel rửa tay sát khuẩn đầu tiên và bán ra thị trường. “Sản xuất nước rửa tay chủ yếu cần cồn, mà nguyên liệu này chúng tôi không thiếu vì có làm nước hoa. Sau đó, tôi cộng thêm một số nguyên liệu diệt khuẩn nữa là có thành phẩm” - ông Vinh chia sẻ.
Lúc này, nghe các con ở Mỹ than thở khó mua gel rửa tay sát khuẩn nên ông đã nghĩ ngay đến việc xuất khẩu nước rửa tay đến quốc gia này. Để xuất qua Mỹ, sản phẩm phải có giấy phép của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ). Được các con giúp đỡ về hồ sơ thủ tục, chỉ sau một tháng, công ty Mỹ Hảo có giấy phép của FDA để xuất khẩu gel rửa tay khô, nước rửa tay và xịt diệt khuẩn. “Trên kệ hàng Mỹ, những chai nước rửa tay vẫn mang thương hiệu riêng của chính Mỹ Hảo, bao bì chỉ khác thị trường Việt Nam là dùng tiếng Anh. Ngay trong lúc dịch bệnh nhưng mình vẫn có thể xuất sản phẩm mới sang Mỹ nên vui lắm” - ông Vinh tự hào nói.
Suốt gần hai thập kỷ cuối thế kỷ 20, mì hai con tôm Miliket thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng đỉnh cao này sớm bị “uy hiếp” vì thị trường mì ăn liền bão hòa, người tiêu dùng có xu hướng “cao cấp hóa”, ưa mới lạ nên… ngó lơ mì Miliket.
Vậy mà, ngay trong đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên tại Việt Nam do COVID-19, Miliket bỗng trở nên “đắt như tôm tươi” bởi nhu cầu dự trữ khi không thể ra ngoài của các gia đình.
Lý do Miliket được lòng người tiêu dùng bên cạnh chất lượng chính là giá thành. Hiện, giá mì ăn liền Miliket được xem là thấp nhất thị trường. Một gói mì bao bì giấy 75gr chỉ 2.700 đồng; các loại khác cũng chỉ ở mức 3.100-6.000 đồng/gói. Công ty cho hay, đã cắt giảm tối đa chi phí quảng cáo để có giá sản phẩm tốt nhất đến tay “thượng đế”.
Theo đại diện Công ty Miliket, đơn vị này tập trung vào đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thấp, người lao động và địa bàn hiệu mì này nhắm tới đa số ở miền Tây và miền Nam. Đồng thời hướng đến phân khúc thị trường chưa ông lớn nào chạm tới, đó là thay vì căng mình cạnh tranh trong thị phần tiêu dùng hàng ngày của người dân thì Miliket lại len lỏi vào những quán ăn, hàng lẩu. Từ vỉa hè cho tới nhà hàng, mì ăn liền Miliket vẫn xuất hiện trên bàn ăn chứ không phải là một thương hiệu mì nào khác. Đặc biệt, Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký - sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất.
“Những công ty này buộc phải thay đổi nếu muốn thích ứng, tận dụng cơ hội. Chính vì vậy, hiện họ đang thể hiện sức sống bền bỉ và mạnh mẽ dù bối cảnh dịch bệnh, cạnh tranh gây sức ép lên kinh doanh”
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Phương
Do lợi thế sẵn có nên dịch COVID-19 bùng phát, Miliket vẫn đặt kế hoạch lãi hàng chục tỷ đồng trong năm 2020 và tỷ lệ chia cổ tức lên đến 33% cho mỗi cổ đông. Kết quả, cuối năm 2020, tổng tài sản của Miliket là 251 tỷ đồng, trong đó có tới 47 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 131 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay nào.
Rủng rỉnh nhặt bạc cắc
Thương hiệu Cao Sao Vàng của Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 vốn không xa lạ với mọi người dân Việt Nam trong thời bao cấp, với khả năng chữa nhiều thứ bệnh từ đau bụng, cảm cúm, nhức đầu cho đến giảm đau cơ… Một thời gian mặt hàng này dường như biến mất trên thị trường nội địa. Thế nhưng gần đây, cao Sao Vàng bỗng “hot” trở lại trên thị trường quốc tế, luôn trong tình trạng sắp hết hoặc “cháy hàng” tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay, Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Mỹ, Úc...
Tại nước ta, một hộp Sao Vàng có giá rẻ, chỉ 5.000- 10.000 đồng/hộp nhưng trên trang Amazon của Mỹ đang bán cao Sao Vàng với giá gần 70.000 đồng/hộp. Trên trang bán hàng trực tuyến của Hàn Quốc, cao Sao Vàng có giá gần 626.000 đồng/3 hộp (mỗi hộp trọng lượng 3g). Ngoài ra, với hộp to khối lượng 10g, mức giá lên tới hơn 1,5 triệu đồng.Đặc biệt, sản phẩm này đang nhận được nhiều lời khen từ người mua trên thế giới như: “Tuyệt vời, tốt lắm, giảm cơn đau nhanh như chớp”.
Công ty CP Nước giải khát Chương Dương cũng kịp “nhặt” khoản lãi nho nhỏ hơn 1 tỷ đồng trong giai đoạn dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam.
Khoản lãi này tuy không lớn nhưng xét trong bối cảnh nửa đầu năm 2020, hàng loạt công ty lỗ nặng, thậm chí phá sản thì đó là một tín hiệu tích cực. Ông Neo Hock Tai Schubert, Tổng giám đốc Chương Dương cho biết, dịch COVID-19 đã làm xói mòn khá nhiều doanh thu của công ty. Song để giảm tác động từ dịch bệnh, công ty đã tăng cường kiểm soát và cắt giảm các chi phí không cần thiết. “Bên cạnh tập trung phát triển dòng sản phẩm trụ cột là Sá xị Chương Dương, công ty còn phát triển một loạt danh mục sản phẩm khác để tránh phụ thuộc quá nhiều vào dòng sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, Chương Dương sẽ tồn tại mạnh mẽ nhờ vào chiến lược không quá phụ thuộc vào những loại nước giải khát có đường mà sẽ chuyển dịch xu hướng về phát triển những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là dòng sản phẩm hữu cơ” - ông Neo Hock Tai Schubert nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương phân tích, nếu nhìn kỹ sẽ thấy các thương hiệu Việt vang bóng một thời chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu. Đây là một trong các yếu tố giúp việc kinh doanh vẫn thông suốt trong dịch bệnh. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công chính là sự nỗ lực tái cấu trúc, đổi mới của các công ty để vươn lên cạnh tranh trên thị trường.
“Các công ty vang bóng một thời từng là doanh nghiệp nhà nước nên họ rất hiểu không thể trông chờ vào Nhà nước bao cấp, mà phải dựa vào sự nỗ lực của chính mình để tồn tại và phát triển. Cánh tay Nhà nước không thể cứu một doanh nghiệp khỏi thua lỗ, phá sản nếu chỉ biết trông chờ và ỷ lại.
“Đại dịch COVID-19 đang định hình lại cách đổi mới, sáng tạo. Nếu chỉ dừng lại thỏa mãn các nhu cầu ngắn hạn, đóng khung vào một vấn đề thì công ty sẽ khó phát triển và không hiệu quả trong dài hạn.Chỉ những công ty dám đổi mới, sáng tạo mới có thể thăng hoa và đối phó hiệu quả với đại dịch”
Chuyên gia Trần Đình Phương