Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Bước tiến lịch sử của một phương hướng chính xác

TPO - Bất luận là kết quả hội nghị thế nào, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều sẽ được ghi vào sử sách như một trang chói lọi trong lịch sử ngoại giao thế giới, đó chính là một bước tiến lịch sử của một phương hướng chính xác.

Trong một khoảng thời gian dài trước khi hai bên ấn định thời gian diễn ra cuộc gặp, không ít người tỏ ra hoài nghi về sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Và cho rằng, hội nghị sẽ có nhiều bất trắc do tính cách có phần khác thường của hai nhân vật chủ chốt đó là Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Có thể khẳng định cho tới thời điểm hiện tại, giới quan sát thế giới đều đã có thể "thở phào nhẹ nhõm", tĩnh tâm chờ đợi cuộc cuộc đấu trí thế kỷ có thể định đoạt được một trong những chủ đề gai góc nhất đó là vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Cần phải nhấn mạnh rằng, bất luận là kết quả hội nghị thế nào, cuộc hội đàm giữa ông Trump và ông Kim đều sẽ được ghi vào sử sách như một trang chói lọi trong lịch sử ngoại giao thế giới, đó chính là một bước tiến lịch sử của một phương hướng chính xác.

Sở dĩ có thể khẳng định như vậy là vì, hai nhà lãnh đạo tối cao Mỹ-Triều đã thương thảo một vấn đề có thể nói là gai góc nhất kéo dài hàng chục năm qua tại khu vực Đông Bắc Á. Điều đó nói lên rằng hai bên đều có ý nguyện giải quyết hòa bình các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên. Và đây thực sự là phương án lý tưởng nhất tính tới thời điểm hiện tại.

Thực tế, trong thời gian dài, nút thắt lớn nhất trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên chính về sự toan tính lợi ích của các bên liên quan bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên. Trong đó sự thiếu tin tưởng và một loạt các phát ngôn, hành đồng nhằm trực diện vào nhau của lãnh đạo hai nước là nguyên nhân cốt yếu khiến cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên khó đạt được nhận thức chung.

Xét từ góc độ của Triều Tiên, sự thù địch của Mỹ và vết xe đổ của Iraq, Lybia trước kia, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô đã khiến cho Bình Nhưỡng đề cao cảnh giác trước bất kỳ động thái nào của Washington. Do đó, bất luận là củng cố an ninh chính quyền, hay gia tăng con bài đàm phán, mục đích cuối cùng của Triều Tiên vẫn là phải đi theo con đường sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã dường như thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đầu tiên là thể hiện thiện chí sẵn sàng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Sau đó là việc cử đoàn cấp cao tham dự Thế vận hội Mùa đông. Và cuối cùng tổ chức cuộc gặp cấp cao liên Triều đánh dấu sự bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc. Đặc biệt, đối với Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một loạt sự nhượng bộ được cho là có chủ đích nhằm tiến hành giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Xét từ góc độ của Mỹ. Không chỉ vấn đề Triều Tiên là di sản của Chiến tranh Lạnh, là vấn đề lịch sử chưa được giải quyết, hay vấn đề về thể chế chế độ, về căn bản Mỹ vẫn chưa tin tưởng Triều Tiên để có thể tiến hành ngồi vào bàn đối thoại.

Một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa đe dọa tới an ninh lãnh thổ Mỹ và các đồng minh của Mỹ và vụ thử hạt nhân trong năm 2017 càng khiến cho Washington mất niềm tin vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi nhận thấy sự thay đổi của Triều Tiên, Mỹ đã có sự điều chỉnh kịp thời, bằng cách cử nhiều quan chức cấp cao tới Bình Nhưỡng và Hàn Quốc để thể hiện thiện chí Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đám phán với Triều Tiên khi điều kiện chín muồi.

Cách đây chỉ vài tháng, có cảm giác như nguy cơ chiến tranh Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chỉ trong "chớp mắt" với sự nỗ lực tuyệt vời của các bên liên quan đặc biệt là Triều Tiên và Mỹ, bóng ma chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đã bị xua tan.

Xét từ một ý nghĩa nào đáo, bất luận là kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có thế nào chăng nữa. Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đi vào sử sách. Đây là một bước tiến lịch sử của một phương hướng chính xác. Đồng thời nó còn là sự khảo nghiệm trí tuệ, tâm hồn và toan tính về lợi ích của các bên liên quan.