Thực phẩm chay giả mặn: Ngon miệng, hại thân

TP - Thịt gà sốt chanh dây, cá bống kho tộ, khô heo… là những món “chay giả mặn” không chỉ giống về hình thức mà cả về mùi vị. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, để có màu sắc bắt mắt, mùi vị thơm ngon, chắc chắn không thể chế biến đơn thuần chỉ bằng rau, đậu.
Thực phẩm chay giả mặn “3 không” màu sắc bắt mắt, bao gói nilon sơ sài

Nội ngoại có đủ

Phục vụ nhu cầu ăn chay rằm tháng Bảy, nhiều chợ, cửa hàng tại TPHCM bày la liệt các món chay, từ chế biến sẵn hoặc đóng gói; hàng nội địa hay nhập khẩu đều có đủ.

Dạo một vòng quanh các chợ Hồ Trọng Quý (Q.6), Hòa Hưng (Q.10), Tân Định (Q.1), Bình Triệu (Q.Thủ Đức)… dễ thấy, đồ chay được đặt trên chiếc bàn, kê sát ra giữa đường để thuận tiện cho người mua. Nhiều thực phẩm như đậu hũ, chả giò, chả cá chay không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc, chỉ được đóng gói, bảo quản sơ sài bằng bao nilon.

Các chủ sạp vô tư bày bán, mặc cho nắng gió, bụi bẩn; người mua cũng không quan tâm ai sản xuất, làm từ bao giờ. Lựa vài món cho vào túi, chị Bích Thủy (35 tuổi, công nhân) thật thà nói: “Sản phẩm được bao gói nilon khá cẩn thận, hơn nữa, hàng ra ngày nào, bán hết ngày đó nên tôi nghĩ không vấn đề gì. Hơn nữa, ăn có mấy ngày chay thôi mà. Tiền nào của nấy, giá chỉ 15.000-20.000 đồng/sản phẩm mình đâu thể đòi hỏi cao hơn được”.

Thị trường đồ chay thời gian gần đây còn có nhiều sản phẩm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia... Cầm gói thực phẩm toàn tiếng nước ngoài, tôi hỏi người bán đây là món gì thì được giải thích: “Thịt gà chay đó chị, có chữ chick nghĩa là gà nè. Hàng Mỹ chính hãng, chỉ cần xé bọc chiên sơ là có thể dùng ngay”. Xoay trở bịch sản phẩm vẫn chẳng thể tìm được nhãn ghi tiếng Việt, cũng như không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng, người bán bảo hàng xách tay, số lượng có hạn nên làm gì có nhãn phụ mà tìm. Khi được yêu cầu mua số lượng lớn, người này liền nói: Chiều quay lại có đủ hàng.

Không chỉ bày bán ở chợ, thực phẩm “chay giả mặn” ngoại nhập cũng xuất hiện ở nhiều cửa hàng thuần chay tên tuổi. Siêu thị thuần chay Hoa Đăng (Q.1) chuyên thực phẩm organic chủ yếu nhập từ Nhật, Mỹ. Cửa hàng thực phẩm chay Trí Huệ (Q.11) giới thiệu đủ thực phẩm chế biến sẵn được nhập từ Malaysia như cừu nướng, lẩu cừu, cừu xào nấm… Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm mới lạ như cá hồi, cà ri cá, trứng luộc, tạng động vật (bao tử vịt, gan vịt, tai heo), cua, sò điệp… giá 57.000-250.000 đồng/sản phẩm. “Đây đều là thực phẩm chay ngoại, vì sức khỏe nên rất an toàn. Màu sắc không lòe loẹt, bắt mắt; món ăn sau khi chế biến cũng không có độ giòn, sần sật, do sản phẩm gần như không có các chất phụ gia, phẩm màu…” - nhân viên cửa hàng Trí Huệ tư vấn.

Coi chừng chay giả

Tại chợ Bình Tây (Q.6), khu vực kinh doanh thực phẩm khô có đủ các nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm chay như nấm đông cô, táo tàu, kim châm, tàu hủ ky… đựng trong bao nilon loại 20 kg hoặc trong thùng giấy, thông tin rất “tiết kiệm”. Tùy loại, thực phẩm chay sẽ có giá từ 100.000 đến 250.000 đồng/kg.

Ở một số sạp, khi hỏi về thực phẩm chay khô như thịt heo lát, thịt bò lát, cá, gà, vịt… tiểu thương luôn miệng khẳng định hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật. Tuyệt nhiên không có ai nhắc đến hàng Trung Quốc.

Trao đổi với chủ một siêu thị chuyên nhập thực phẩm chay từ Mỹ, được biết, đa số đồ chay ở chợ đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.Bởi hàng chính hãng có giá không hề rẻ, không thể có giá vài trăm ngàn/kg. “Hơn nữa, Mỹ, Hàn Nhật…không có phong tục tập quán ăn chay như người Việt Nam nên thực phẩm chay của họ không thể xuất hiện các loại giống thực phẩm Việt Nam. Nếu có, chắc chắn là do người bán tự phong”, người này khẳng định.

TPHCM đã từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay không khỏi lo ngại. Đó là hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả này được đưa ra sau khi kiểm tra mẫu mì được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.

TS Phan Thế Đồng, giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng, Trường ĐH Hoa Sen cho biết, acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích không tốt với ruột và gan. Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng.“Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Người có tiền sử sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa acid oxalic sẽ bị nặng hơn, gây sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu”, TS Đồng cảnh báo.

Theo BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam - Văn phòng phía Nam, người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất, trong khi thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm nhiều chất khác có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó.    

Gói thực phẩm gà chay của Mỹ không thấy nhãn phụ tiếng Việt

Bác sỹ Trần Văn Ký khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn, ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín; sản phẩm phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần chú ý màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi, không nên chạy theo trào lưu, “sính ngoại” dễ “ôm” bệnh.