Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Bruno Angelet :

Thực hiện tốt FTA, Việt Nam có thể là số 1 khu vực

TP - Trước thềm năm mới 2017, phóng viên Tiền Phong có cuộc phỏng vấn độc quyền với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet. Liên quan tới Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và EU (EVFTA), Đại sứ Bruno Angelet nói: “Nếu VN thực hiện tốt hiệp định, và các cấp lãnh đạo của hai bên chuẩn bị tốt việc này, VN có thể là số 1 trong khu vực!”.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet. Ảnh: Như Ý

Cần tập trung hành động ngay, không chờ đợi

- Trước thềm năm mới 2017, xin đại sứ chia sẻ những điểm nhấn của mối quan hệ EU-Việt Nam trong năm 2016?

Tất nhiên 2016 là một năm của sự chuyển tiếp. Tại Việt Nam đó là bầu cử Quốc hội, Thủ tướng mới và phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới. Trong năm chuyển tiếp này chúng tôi cũng đã có nhiều tiến triển quan trọng, đầu  tiên đó là chúng ta hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) vào năm ngoái. Năm nay chúng ta chuẩn bị tích cực cho việc thực hiện hiệp định này. Hiện thời hiệp định đang được rà soát pháp lý, hiệu chỉnh để từ ngữ chuẩn xác về mặt pháp lý. Chúng tôi cũng đã soạn thảo cuốn sổ tay về Hiệp định và đã bắt đầu giới thiệu tới tới các doanh nghiệp của hai bên.

Chúng tôi cũng đã tuyển 17 chuyên gia châu Âu và họ đang sang Việt Nam để xây dựng một lộ trình, tìm ra sự thiếu hụt về năng lực của phía Việt Nam và đảm bảo rằng VN có thể thực hiện hiệu quả các cam kết tham vọng trong FTA và các bên liên quan của hai bên có thể nắm bắt được các cơ hội. Chúng tôi đang làm việc rất tích cực về Hiệp định này. Gần đây, vào tháng 11 có hai chuyến thăm quan trọng, đó là chuyến thăm của Cao uỷ châu Âu về nông nghiệp cùng phái đoàn đông đảo các doanh nghiệp và chuyến thăm của Cao uỷ môi trường và thuỷ sản. Các chuyến thăm nói trên có tầm quan trọng lịch sử vì đây là lần đầu tiên các Cao uỷ này tới Việt Nam, đồng thời cũng quan trọng đối với cả EU và Việt Nam, bởi nó giúp thực hiện FTA và giúp Việt Nam tăng tốc trong việc bảo vệ rừng, giúp tăng cường tiếp cận sản phẩm gỗ của Việt Nam đối với thị trường EU và giải quyết các quan ngại về môi trường. Trong chuyến thăm của Cao uỷ môi trường Vella, chúng tôi đã hoàn tất đàm phán kéo dài 6 năm cho một Hiệp định về bảo vệ và quản lý rừng bền vững. Hiệp định này cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu gỗ vào EU với điều kiện là chính phủ đảm bảo được rằng gỗ được khai thác hợp pháp và rừng tự nhiên được bảo vệ.

Để kết luận, có thể nói rằng năm 2016 là một năm của sự chuyển tiếp, cùng với ban lãnh đạo mới của Việt Nam, chúng tôi đã tiếp tục có nhiều hỗ trợ kỹ thuật. Tôi cho rằng 2017 sẽ là một năm tuyệt vời cho quan hệ hai bên.

Đàm phán EVFTA đã kết thúc, vậy hiện trạng như thế nào, dự tính thời gian kết thúc việc phê chuẩn là bao giờ? Theo ông liệu có khó khăn phát sinh nào không? Bởi theo tôi biết, mặc dù đã được ký kết nhưng để có hiệu lực chính  thức thì hiệp định phải được quốc hội của 28 nước thành viên và quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Kế hoạch của chúng tôi là hiệp định có hiệu lực vào nửa đầu năm 2018 và dự định này vẫn đi đúng hướng. Nhiều người cho rằng mốc thời gian đó là muộn nhưng tôi cho rằng đó là sớm bởi vì vấn đề thực tế ở đây không phải là ký kết và phê chuẩn nhanh mà là việc chuẩn bị một cách đúng đắn và theo chiều sâu cho việc thực thi. 

Điều này rất quan trọng và có nhiều việc cần phải làm từ nay tới năm 2018. Anh rất đúng khi nhấn mạnh rằng quá trình phê chuẩn có thể là phức tạp. Chúng tôi còn đang đợi xem quy trình này sẽ như thế nào. Liệu có phải là chỉ cần Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn hay không. Điều này hiện đang chưa rõ ràng. 

Nếu EP phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực nhanh chóng. Nếu cả EP và quốc hội các nước thành viên cần phê chuẩn  thì sau khi EP phê chuẩn, Hiệp định tạm thời có hiệu lực trong phần lớn lĩnh vực, phần còn lại sẽ có hiệu lực theo thẩm quyền của quốc hội các nước thành viên. Đây là cách được áp dụng từ trước tới nay.

Nhưng theo tôi, câu hỏi thực sự ở đây là cách chúng ta sử dụng thời gian để chuẩn bị cho quá trình thực thi. Và tôi muốn nói với độc giả của Tiền Phong rằng đây là một hiệp định rất tốt và rất tham vọng. Chúng tôi kỳ vọng nó sẽ đưa nền kinh tế của VN lên tầm cao mới không chỉ về mặt khối lượng, đó là tăng xuất khẩu mà còn về chất lượng các sản phẩm của VN, bởi hiệp định đặt ra các tiêu chuẩn rất cao.

 Câu chuyện thú vị ở đây là hiệp định chỉ bao gồm hai bên, giống như hai người cùng ngồi trong xe và thảo luận về việc cùng điều khiển một chiếc xe buýt. Nó khác với hiệp định đa phương có khi tới 12 bên. Hiệp định này được dựa trên một mối quan hệ thân mật. Hai người trên xe cùng đưa ra chương trình và điều chỉnh nó. 

EU quan tâm nhiều tới hiệp định này và mong muốn có được một kết quả hai bên cùng có lợi. Nhưng vì hiệp định mang tính tham vọng cao, chúng ta phải chuẩn bị sớm và đảm bảo cùng tuân theo định hướng mà cả EU và VN đã đặt ra cho chính mình. Để làm việc này thành công thì chúng ta thực sự phải được chuẩn bị.

Và đó là lý do chúng tôi dành cho VN một thứ mà chúng tôi chưa từng làm. Trong quá khứ đối với VN cũng như EU, quy trình là chúng ta đàm phán, kết thúc, ký kết và phê duyệt. Tuy nhiên đây là một hiệp định tham vọng và VN rất bận bịu với nhiều hiệp định khác do vậy nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Brussels năm trước, hai bên đã quyết định đẩy nhanh quá trình chuẩn bị này bằng việc thông qua trước một lộ trình định hướng cho việc thực hiện. 

Hiện tại trong lúc tôi đang nói đây thì 17 chuyên gia EU đang ở VN để tìm ra các nhược điểm và khiếm khuyết về mặt năng lực thực thi của VN để đưa ra khuyến nghị giải quyết. Chúng tôi cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Nếu bạn xem tuyên bố chung EU-VN ngày 2 tháng 12 năm ngoái thì sẽ thấy chúng tôi đồng ý về việc hợp tác trong thực thi. Các chuyên gia đang tới, và tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới chúng ta sẽ có lộ trình cụ thể để hai bên ngồi bàn bạc việc chuẩn bị.

Các tiêu chuẩn của hiệp định rất cao và khó cho VN để có thể thực hiện mọi thứ nhưng vì chỉ có hai bên nên chúng tôi  sẽ quan tâm và cố gắng giúp VN để nâng tầm nền kinh tế VN về mặt chất lượng và quản trị kinh tế. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật khi cần. Ở một số lĩnh vực sẽ rất là khó khăn nhưng điều quan trọng là chúng ta làm càng sớm càng tốt. 

Nếu chung ta ngồi trong văn phòng và đợi cho tới khi hiệp định được phê chuẩn thì người dân châu Âu và VN sẽ cho rằng đây là hiệp định quá tham vọng. Nhưng không, chúng ta có thể làm được và đó là điều tại sao chúng tôi có các chuyên gia giúp sức về lộ trình. Làm việc này càng sớm càng tốt. 

Nếu trong năm 2017 chẳng hạn, các quốc hội và chính phủ tại châu Âu nói rằng đây là hiệp định quá tham vọng thì chúng ta có thể nói rằng chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị tích cực ngay từ tháng 12/2016. Và thông điệp của tôi dành cho các doanh nghiệp EU và VN là cần phải tập trung hành động ngay trên nhiều lĩnh vực chứ không chờ đợi.

Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm

VN đã ký rất nhiều FTA như với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN.... Liệu VN có đủ năng lực để thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những FTA này mang lại? Có khó khăn tiềm tàng nào cho VN khi nền kinh tế mở ở cấp độ cao như vậy nếu chưa thực sự chuẩn bị tốt?

“Chúng  tôi cho rằng hàng nông sản của VN có tiềm năng xuất khẩu lớn vào EU. VN có thể làm nhiều hơn. VN có nhiều sản phẩm tốt như vải thiều, xoài, chuối, dừa… Thị trường 500 triệu dân là rất tiềm năng nhưng các bạn phải tập trung vào chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là một điểm yếu không những cho hàng xuất khẩu vào EU mà còn cho chính người tiêu dùng VN”.    

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU)

                        tại Việt Nam Bruno Angelet

Câu chuyện hay ở chỗ nền kinh tế của chúng ta mang tính bổ sung cho nhau. Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ chúng ta chưa là đối thủ cạnh tranh của nhau... Nhiều thứ mà VN muốn phát triển sẽ không chịu tác động xấu của hiệp định như các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ. Nhiều tham vọng của VN có nguồn gốc từ việc gia nhập WTO, theo quy định của WTO về những điều được và không được làm. Hiệp định này sẽ không thay đổi luật chơi mà là mức độ tham vọng trong thực thi. Lợi ích của hiệp định là thuế nhập khẩu giảm, tiếp cận không hạn chế với thị trường, khoảng 90% các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống gần như bằng không trong vòng 7 năm cho hàng xuất khẩu của VN vào EU và 10 năm cho hàng xuất khẩu của EU vào VN.

   

Bất lợi cho VN trước mắt là mặc dầu có tiếp cận không hạn chế nhưng phải tôn trọng các tiêu chuẩn chất lượng. Một số bạn VN nói với tôi rằng đây là hàng rào kỹ thuật. Không, tôi nói rằng chúng tôi không thiết lập hàng rào kỹ thuật, chúng tôi chỉ đưa ra các tiêu chuẩn rất cao cho sản phẩm VN và châu Âu. Nguyên tắc then chốt của chúng tôi là bảo vệ người tiêu dùng châu Âu và chúng tôi sẽ không bao giờ giảm mức độ bảo vệ đó.  

Nếu các sản phẩm bên ngoài cũng như các sản phẩm châu Âu không đáp ứng tiêu chí thì sẽ bị loại khỏi giao thương. Các tiêu chuẩn này đã và đang có. Hiệp định không thay đổi các tiêu chuẩn này. Vậy khi chúng tôi nhập khẩu với mức thuế nhập là 0% thì chúng tôi có thể tăng số lượng lên. Nhưng nếu các bạn không cải thiện chất lượng thì việc giảm thuế không mang lại lợi ích vì hàng hoá của các bạn không vào được EU.

Chung tôi biết điều này và chúng  tôi cho rằng hàng nông sản của VN có tiềm năng xuất khẩu lớn vào EU. VN có thể làm nhiều hơn. VN có nhiều sản phẩm tốt như vải thiều, xoài, chuối, dừa… Thị trường 500 triệu dân là rất tiềm năng nhưng các bạn phải tập trung vào chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Đây là một điểm yếu không những cho hàng xuất khẩu vào EU mà còn cho chính người tiêu dùng VN. Đó là lý do các chuyên gia của chúng tôi đang chuẩn bị chương trình làm việc với bộ NN & PTNT. Chúng tôi mời bộ NN&PTNT thăm châu Âu vào tháng 3, 4 sang năm để giúp tăng cường chất lượng của hệ thống kiểm soát và do vậy mở ra các cơ hội thị trường thực sự cho cả hai bên… Tôi nghĩ lợi ích của hiệp định lớn hơn bất lợi rât nhiều. Cái bất lợi ở đây là về chất lượng sản phẩm. Các bạn phải cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tôi nghĩ việc cải thiện chất lượng cho sản phẩm Việt Nam là cần thiết, nhưng không dễ ?

Không dễ nhưng không phải là bất khả thi. EU là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu với đồng tiền chung. Nền kinh tế EU có giá trị 16 nghìn tỷ Euro, một nền kinh tế lớn nhất với chất lượng cao nhất. VN là một nền kinh tế hướng ngoại nhất trong ASEAN. Trong ASEAN thì VN là nền kinh tế có hàm lượng thương mại quốc tế lớn nhất với tỷ lệ 83% của GDP, cao hơn cả Malaysia và Thái Lan. Trong ASEAN, VN là nước thứ 2 sau Singapore ký hiệp định với EU. Nếu VN thực hiện tốt hiệp định này, và các cấp lãnh đạo của hai bên chuẩn bị tốt việc này, VN có thể là số 1 trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!