Thực hiện kiểm kê khí nhà kính: Doanh nghiệp nên bắt đầu thế nào?

Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính mang lại nhiều giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, trong hành trình này, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn...

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững- FPT Digital, Tập đoàn FPT, cho rằng để thực hiện, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể các nguồn phát thải trong toàn bộ hoạt động, từ sản xuất đến vận hành, và xác định các biện pháp giảm phát thải khả thi nhất...

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt rào cản thương mại

Theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật, có 2166 doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực Công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, nông lâm nghiệp,… tại Việt Nam phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải.

Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ mang lại những lợi ích, giá trị gì cho các doanh nghiệp trong hành trình phát triển hướng tới giảm phát thải, xanh hóa doanh nghiệp, tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu khi áp dụng cơ chế CBAM?

Tôi cho rằng việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg sẽ mang lại những lợi ích quan trọng và giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp, nhất là trong hành trình phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo quyết định này, có 2.166 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, và nông lâm nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải trước ngày 31/03/2025. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ có báo cáo và dữ liệu đầu vào đầy đủ mà còn cần tuân thủ quy trình kiểm kê chính xác, phù hợp.

Việc kiểm kê khí nhà kính giúp các doanh nghiệp xác định rõ nguồn phát thải của mình và xây dựng các biện pháp giảm thiểu hiệu quả. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu pháp lý tại Việt Nam mà còn chuẩn bị tốt hơn cho các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, đặc biệt là các quy định của thị trường EU.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững- FPT Digital: Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính mang lại nhiều giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng xanh hóa nền kinh tế...

Với việc EU áp dụng cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí carbon nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn phát thải của châu Âu. Để xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp cần tiến hành kiểm kê kỹ lưỡng, minh bạch hóa dữ liệu liên quan đến phát thải và áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát thải carbon.

Cơ chế CBAM được thiết kế để ngăn chặn hiện tượng "carbon leakage" (rò rỉ carbon- người viết) khi các doanh nghiệp di chuyển sản xuất đến những quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn về phát thải. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải mua chứng chỉ CBAM nếu sản phẩm của họ có lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn quy định.

Tôi cho rằng, việc tuân thủ cơ chế này đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không chỉ thực hiện kiểm kê đầy đủ mà còn áp dụng công nghệ xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường để tối ưu hóa sản xuất và giảm thiểu chi phí nhập khẩu.

Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và quản lý hiệu quả phát thải không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mà còn mang lại những lợi ích dài hạn. Đầu tư vào công nghệ sạch và cải tiến quy trình sản xuất giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, tối ưu hóa chi phí và tăng cường khả năng ứng phó với các thay đổi chính sách về môi trường.

Ngoài ra, việc minh bạch hóa trong báo cáo phát thải carbon còn giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư từ các quỹ phát triển bền vững và tài chính xanh.

Nhìn chung, thực hiện kiểm kê khí nhà kính không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là một công cụ chiến lược quan trọng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tại Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho các quy định quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường EU, và đóng góp vào sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính có thể là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, khi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông/bà nhận thấy, đâu là những rào cản thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo lộ trình đã được quy định?

Việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính đang là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm và thiếu nguồn lực.

Tôi nhận thấy một trong những rào cản lớn nhất là thiếu kiến thức và chuyên môn về đo lường, báo cáo và xác minh phát thải. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc thiết lập hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu phát thải chính xác.

Thêm vào đó, chi phí đầu tư vào công nghệ và nhân lực để thực hiện kiểm kê và giảm phát thải cũng là một trở ngại đáng kể.

Đánh giá tổng thể các nguồn phát thải, thiết lập quy trình kiểm kê rõ ràng và liên tục

Xây dựng lộ trình giảm phát thải sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh tích cực với cam kết bền vững, đồng thời là cách để giảm thiểu các rủi ro tác động môi trường. Triển khai dịch vụ kiểm kê Khí nhà kính và lập báo cáo, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định?

Xây dựng lộ trình giảm phát thải là một ưu tiên cấp bách để doanh nghiệp khẳng định cam kết bền vững và giảm thiểu rủi ro tác động từ môi trường.

Để thực hiện điều này, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể các nguồn phát thải trong toàn bộ hoạt động, từ sản xuất đến vận hành, và xác định các biện pháp giảm phát thải khả thi nhất.

Tôi cho rằng, hợp tác với các đơn vị tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm về kiểm kê khí nhà kính có thể giúp doanh nghiệp xác định đúng các công cụ và phương pháp đo lường phù hợp, từ đó xây dựng chiến lược quản lý carbon hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thiết lập quy trình kiểm kê rõ ràng và liên tục cải tiến các biện pháp kiểm soát phát thải, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được quy định pháp lý mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là tại các khu vực có yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải như châu Âu.

Qua quá trình tư vấn ESG doanh nghiệp phát triển bền vững, ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp triển khai tích hợp ESG trong hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh?

Qua quá trình tư vấn và triển khai giải pháp ESG, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chủ động tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất và quản trị, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.

Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình này, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết để triển khai hiệu quả. Chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cung cấp công cụ và dịch vụ tư vấn giúp đo lường, đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững theo ba trụ cột ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Các doanh nghiệp ngày càng nỗ lực trong tuân thủ các tiêu chuẩn ESG cũng như cam kết ngày càng cao trong chuyển đổi xanh. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về nguồn lực và sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đầy đủ hệ thống quản lý dữ liệu và quy trình kiểm kê phù hợp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình này, chúng tôi đã và đang cung cấp giải pháp đo lường phát thải khí nhà kính, quản lý rủi ro và xây dựng chiến lược phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng quy định pháp lý mà còn cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư trên thị trường quốc tế.

Trước tinh thần chủ động của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững, từ giai đoạn xây dựng chiến lược đến triển khai thực tế.

Link bài gốc:

https://vneconomy.vn/thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-doanh-nghiep-nen-bat-dau-the-nao.htm?

Theo Tạp chí VnEconomy