Thúc đẩy thịnh vượng của Asean giữa những thách thức, biến chuyển

TPO - Phát biểu chỉ đạo phiên họp của Asean tại Davos, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phát triển và hội nhập của ASEAN đang có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp nhiều thách thức.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự phiên khai mạc toàn thể WEF Davos 2018. Ảnh: VGP

Sáng 23/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn Việt Nam bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Nhóm chiến lược khu vực ASEAN với chủ đề “Chèo lái sự thịnh vượng của ASEAN trong thời kỳ nhiều thách thức và biến chuyển”,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phát triển và hội nhập của ASEAN đang có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp nhiều thách thức trước sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hợp tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa bảo hộ, trào lưu dân túy, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp… 

Phó Thủ tướng đề nghị Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN cần hợp tác với Chính phủ các nước ASEAN đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự thịnh vượng của ASEAN trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức và biến chuyển. Phó Thủ tướng cho rằng Nhóm cần tập trung thảo luận các vấn đề chiến lược như duy trì sự phát triển năng động, sức cạnh tranh và khả năng tự cường của ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển đồng đều, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác và an ninh khu vực, đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế nội khối... 

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại và hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp; cho biết Việt Nam đang phối hợp với WEF chuẩn bị, tổ chức Hội nghị WEF-ASEAN 2018 tại Hà Nội vào tháng 9/2018 để cùng chia sẻ các tầm nhìn mới, ý tưởng sáng tạo, nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN.

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Ủy viên Hội đồng liên bang Thụy Sĩ Johann Ammann bên lề Hội nghị WEF Davos, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam- Thụy Sĩ đang phát triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực; nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA. 

Phó Thủ tướng đánh giá cao Chính phủ Thụy Sĩ duy trì cam kết ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020; đề nghị Thụy Sỹ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học-công nghệ với đào tạo; tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sỹ.

Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch toàn cầu tập đoàn Qualcomm, Phó Thủ tướng hoan nghênh Qualcomm đóng góp tích cực vào  phát triển công nghệ và hạ tầng viễn thông di động ở Việt Nam; đề nghị tập đoàn hợp tác phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành viễn thông đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển kinh tế số tại Việt Nam… 

Thế giới ngày càng bị chia rẽ
Hội nghị WEF Davos là hội nghị lớn và quan trọng nhất trong năm của WEF, tập hợp đông đảo các nhà lãnh đạo và tập đoàn hàng đầu thế giới để thảo luận các vấn đề nghị sự toàn cầu nổi lên tác động đến sự phát triển của thế giới và các quốc gia. 

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, Hội nghị WEF Davos năm nay thu hút hơn 3.000 đại biểu tham dự, gồm người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ của nhiều nước (như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia, Canada, Ấn Độ…), người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, WB, IMF, WTO, ADB, AIIB…) và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các tổ chức phi chính phủ, học giả và truyền thông quốc tế có uy tín. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch sáng lập WEF đánh giá thế giới ngày càng bị chia rẽ bởi gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia và phân hóa sâu sắc trong từng quốc gia; nhấn mạnh mục tiêu của Hội nghị WEF Davos năm nay là tăng cường phối hợp hành động, đề cao lợi ích chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. 

Hội nghị sẽ diễn ra trong bốn ngày với hơn 400 phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề về thúc đẩy tiến bộ kinh tế bền vững, phát triển trong thế giới đa cực và đa khái niệm (multi-conceptual), giảm phân hóa và bất bình đẳng xã hội, thích ứng quản trị trước sự phát triển nhanh của công nghệ.