Thủ tướng: Phát triển sâm phải gắn với 'Quốc kế dân sinh'

TPO - Sâm Ngọc linh là “quốc bảo” của Việt Nam, nhưng phải làm sao để từ “quốc bảo” thành “quốc kế dân sinh” cho người dân- đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đắk Tô, Kon Tum.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.

“Quốc bảo” của Việt Nam

Buổi Lễ Khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh (Trung tâm Quốc gia) diễn ra vào chiều 5/9. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý, đã được các nhà khoa học phân tích, chứng minh là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới. Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng tự nhiên có độ cao từ 1.700m trở lên trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, vòng đời sinh trưởng dài.

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, sâm Ngọc linh là “quốc bảo” của Việt Nam, nhưng phải làm sao để từ “quốc bảo” thành “quốc kế dân sinh” cho người dân.

Bởi vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện qui trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh là việc rất có ý nghĩa. Để làm được điều này, chúng ta phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, phổ cập hơn trong thời gian tới. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia nhập sâm nhiều nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã làm được việc phát triển sâm đạt sản lượng cao, đưa ra các chế phẩm từ sâm rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm chức năng. Sâm Ngọc Linh có nhiều ưu điểm hơn sâm Hàn Quốc, và nhiều đặc tính quý mà các loại sâm Mỹ, Canada, Hàn Quốc không có được.

Theo Thủ tướng, việc sản xuất thành công sâm Ngọc Linh không chỉ ở Kon Tum mà ở cả Quảng Nam, có nghĩa là chúng ta có cơ hội lớn cho sâm Việt Nam, sâm Ngọc Linh chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Việc phát triển sâm không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, thương mại hóa sản phẩm từ sâm mà còn có thể góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho người dân. Hiện giá củ sâm Ngọc Linh đạt yêu cầu rất đắt, lên tới 150-200 triệu đồng/kg. Từ đó, Thủ tướng đề nghị phải bảo vệ nguồn gen, phát triển nguồn sâm Ngọc Linh  tương xứng với thế mạnh tự nhiên, tiềm năng sẵn có của hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.

Đặc biệt, Trung tâm Quốc gia phải làm sao để phân biệt được sâm thật, sâm giả, nếu giả phải trừng trị vì điều này ảnh hưởng đến thị trường, sức khỏe của người dân. Trung tâm Quốc gia phải nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh; quy trình bảo tồn nguồn ghen, sản xuất giống; khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến sâm sau quy hoạch phải được tiêu chuẩn hóa chặt chẽ.  Trước mắt, Trung tâm Quốc gia phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xử lý nạn sâm giả.

Thủ tướng tham quan Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh

Thủ tướng lưu ý, không để xảy ra việc khai trương thì rầm rộ nhưng về sau lại đìu hiu vì cách làm lạc hậu, bao cấp, bằng cách quản lý chặt chẽ mọi hoạt động bằng công nghệ số. Các Bộ liên quan phải chú ý nâng cao phẩm chất, trình độ, trách nhiệm của cán bộ Trung tâm Quốc gia. 

“Các đồng chí phải làm ra hồn cái Trung tâm này, đừng để mang tiếng với địa phương là hữu danh vô thực”- Thủ tướng nói.

Trao quyết định đầu tư cho nhiều dự án phát triển sâm Ngọc Linh

Tối 5/9, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác”, tại khách sạn Indochine (TP. Kon Tum), trước sự chứng kiến của các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Kon Tum đã tiến hành trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án và ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với các dự án phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Cây sâm Ngọc Linh

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án của 6 công ty với vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng liên quan đến trồng, phát triển, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Đồng thời, trao chủ chương khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư  10,5 tỉ đồng trên tổng diện tích dự kiến hơn 5 nghìn ha cho 2 doanh nghiệp: Tập đoàn Vingroup về dự án đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; Công ty  cổ phần VAVINA về dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng phát triển cây Sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu dưới tán rừng. 

Ngoài ra, các ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn tín dụng cho 4 dự án phát triển cây dược liệu của tỉnh Kon Tum với số tiền 1.068 tỉ đồng.