Tại Trường Đại học (ĐH) FPT, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường đã chia sẻ thông tin về các ngành đào tạo, cũng như giới thiệu chi tiết với Thủ tướng về tổ hợp kiến trúc của Trường tại khu công nghệ cao Hoà Lạc, đảm bảo việc học tập tốt của người học, giúp sinh viên sinh hoạt và trải nghiệm, làm phong phú đời sống học đường của người học.
Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết: Tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh sinh viên theo học tại FPT.
Theo ông Bình, FPT đang chiếm vị trí cao trong các lĩnh vực siêu nóng của thế giới nhờ nguồn nhân lực từ các trường ĐH của Việt Nam, ĐH FPT và cả lưu học sinh Việt Nam. Năm 2022, lần đầu tiên Tập đoàn FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số ký từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng cao ở tất cả các thị trường toàn cầu, đóng góp 7.112 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Trương Gia Bình kiến nghị, đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành Công nghệ Việt Nam nói chung và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào.
Ông Bình cũng cho rằng Việt Nam cần ra quyết sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực 4.0.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đào tạo nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng cho rằng qua các bước thăng trầm và đột phá, việc FPT lựa chọn, tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, thiết kế, sản xuất phần mềm, chip, là con đường đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của tập đoàn, xu thế thời đại và tiềm năng, lợi thế của đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045. Nghiên cứu, tổ chức các trường ĐH số.
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về chuyển đổi số nói chung, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng năng suất lao động tổng hợp; phát triển thêm nhiều khu công nghệ cao trên cả nước, trong đó tập trung thu hút, đào tạo nhân lực.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt chức năng quản lý nhà nước về đào tạo nghề, đẩy mạnh đào tạo nghề để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và quan hệ lao động quốc tế, đặc biệt quan tâm vấn đề kỹ năng nghề; phát triển thị trường lao động lành mạnh, bền vững, hội nhập, hiệu quả.
Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, các đề án, dự án cụ thể, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực… để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước một cách bài bản, lớp lang.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các thủ tục liên quan đất đai, thủ tục hành chính cho các cơ quan, đơn vị xây dựng trụ sở tại Hòa Lạc.
Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện trong đào tạo nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu từng vùng miền, từng lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước tới năm 2030, năm 2045", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.