Trong thông điệp video đăng trên trang web của chính phủ ngày 8/5, ông Scholz cho biết một số người theo chủ nghĩa dân túy muốn Đức rời EU, một số người khác muốn giảm vai trò của liên minh và một số coi Nga hoặc Trung Quốc là hình mẫu.
"Thật là sự điên rồ tự hủy hoại!", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Các cuộc thăm dò cho thấy những đảng theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu có thể giành được số phiếu bầu kỷ lục trong cuộc bầu cử vào tháng 6. Nhiều cử tri có thể sẽ quay lưng với đảng chính thống vì cho rằng họ không bảo vệ các hộ gia đình trước tình trạng lạm phát cao, hạn chế nhập cư, bảo đảm chất lượng nhà ở và hệ thống y tế.
Bà Alice Weidel, đồng lãnh đạo đảng AfD cực hữu ở Đức, đầu năm nay kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Đức trong EU và hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu.
Ông Scholz khẳng định sự đoàn kết của châu Âu là điều tối quan trọng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và tình trạng bất ổn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
"Bạn có thể vô trách nhiệm đến mức nào khi hoài nghi về tính thống nhất của châu Âu trong những thời điểm như vậy?", Thủ tướng Đức Olaf Scholz đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron dự định sẽ thúc giục các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, đồng thời phải cứng rắn và quyết đoán hơn với các đối thủ.
Trong phát biểu ngày 8/5, tuyên bố quan trọng đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng, ông Cameron nói rằng NATO phải "cạnh tranh hơn, hợp tác hơn và đổi mới hơn", và rằng Anh không chỉ phải củng cố các liên minh hiện có mà còn phải xây dựng những mối quan hệ đối tác mới trên toàn cầu.
“Chúng ta đang ở trong một trận chiến về ý chí. Tất cả chúng ta đều phải chứng minh rằng đối thủ của mình đã sai”, ông Cameron nhất mạnh trong bài phát biểu tại Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Vương quốc Anh.
"Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới phải thấy tất cả các đồng minh đi đúng hướng với việc thực hiện cam kết đã đưa ra ở Wales năm 2014 là chi 2% cho quốc phòng. Và sau đó chúng ta cần phải nhanh chóng thiết lập mức 2,5% làm chuẩn mực mới cho tất cả các đồng minh NATO”, ông Cameron nói.
Tháng trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết chi tiêu quốc phòng của Anh sẽ tăng lên 2,5% GDP vào năm 2030.
Anh là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ và tích cực nhất của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Cameron nói rằng một số quốc gia không học được bài học gì từ cuộc xung đột đó.
Ông cho rằng một số người ở châu Âu dường như không muốn chi tiêu cho quốc phòng trong khi xung đột đang hoành hành gần mình; một số quốc gia chỉ trích các cuộc tấn công vào tàu bè ở Biển Đỏ nhưng chỉ có Anh và Mỹ tiến hành các cuộc tấn công để đáp trả.