Thủ tướng chủ trì Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

TPO - Sáng 16//11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Diễn đàn quốc gia với chủ đề Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam lần đầu được tổ chức. Diễn đàn do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì. 

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ LĐ-TB&XH thiết kế, đề xuất hiệp ước, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường và Chính phủ trên các lĩnh vực trọng điểm.

Trong mối liên kết ba bên: Doanh nghiệp - nhà trường - nhà nước, Thủ tướng yêu cầu, doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp. Về phía nhà trường, cần tập trung tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp, quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng người học.

Người đứng đầu Chính phủ cam kết, sẽ ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, diễn đàn hướng tới thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm, cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người. Doanh nghiệp đồng hành với nhà trường sẽ tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Ông Dung cho hay, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế, 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình, khi robot thay thế con người, đăc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử…

Nghi thức doanh nghiệp đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp 

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng, các đại biểu sẽ đánh giá khách quan thực trạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các dự báo về kỹ năng, xu hướng tuyển dụng và việc làm.

Song song với đó, đưa ra khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cho Chính phủ và các bộ ngành; tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.