Ngày 18/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý 6 vấn đề ngành Giáo dục
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên.
Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Một số kết quả cụ thể được Thủ tướng dẫn ra như: Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển GDĐT tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục, bước đầu mang lại chuyển biến tích cực; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên lan toả tích cực…
“Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GDĐT trong năm học 2022-2023 và thời gian vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp thành quả chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành. Trong đó, việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới còn một số bất cập việc xây dựng và triển khai chương trình mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm; thiết kế môn học Lịch sử trong Chương trình mới còn có ý kiến trái chiều; chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc; một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý.
Thủ tướng cũng chỉ ra rằng việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.
"Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT mới. Chính sách đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn...
Thực trạng này theo Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Thủ tướng lưu ý 6 vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong trước mắt và lâu dài.
Đó là: Kiên trì, kiên quyết không để ma tuý vào trường học; khắc phục tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh; sách giáo khoa phải đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực, ổn định phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, thường xuyên; rà soát môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông; có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học tại vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GDĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, bảo đảm đầy đủ, toàn diện, nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.
Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương. Sớm xem xét về tăng phụ cấp cho giáo viên.
Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng ngành Giáo dục, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo đồng thuận xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.
Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Đối với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo, cần chú trọng tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn, có chiến lược, kế hoạch, chương trình, bố trí con người, nguồn lực cho giáo dục, để vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa phát triển giáo dục lâu dài.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sẽ lĩnh hội, quán triệt và triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là những lưu ý về những điểm còn cần phải khắc phục.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, chỉ đạo. Cảm ơn các bộ, ban, ngành trung ương đã phối hợp và hỗ trợ. Cảm ơn các địa phương, các tỉnh/thành phố đã quan tâm và ra sức triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch thường xuyên, cũng như các nhiệm vụ đổi mới. Đồng thời, ghi nhận và cảm ơn các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước đã nỗ lực, cố gắng, sáng tạo và đổi mới.