Thủ tướng: Báo chí cần liên tục đổi mới sáng tạo

TPO - Tại buổi gặp gỡ báo chí nhân 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, báo chí cần liên tục đổi mới sáng tạo để tìm ra hướng đi mới, cách đưa tin mới mới đáp ứng được yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh Như Ý

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cuộc phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông yêu cầu chúng ta phải có cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử…

Lăn xả quyết liệt vì lẽ phải, vì sự thật

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã điểm lại những chặng đường hoạt động vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. 

Báo chí là công cụ sắc bén tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, nhân dân; báo chí đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông về chủ trương chính sách pháp luật, sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước; nhân rộng mô hình, cách làm hay, biểu dương người tốt việc tốt; tiếp tục đẩy mạnh cuộc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh Như Ý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong công việc hàng ngày Thủ tướng thường xuyên tiếp xúc với báo chí, các phóng viên đã tuyên truyền cho những người xung quanh nhiệt huyết, lòng say mê công việc với đất nước quê hương, sự lăn xả quyết liệt vì lẽ phải, vì sự thật. 


“Bản thân tôi hàng ngày dù bận đến đâu vẫn dành thời gian đọc tin tức trên các báo, lắng nghe tâm tư nguyện vọng ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với các tổ chức của Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 

Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của báo chí trong sự kiện gần đây nhất vào tối thứ Sáu (17/6), khi quân đội đưa thi thể của phi công Trần Quang Khải về đất liền, nhiều phóng viên đã thức trắng đêm tại Nghệ An để truyền trực tiếp tin tức hình ảnh xúc động từ hiện trường. Và chắc chắn ở nhiều tòa soạn khác, các biên tập viên cũng thức trắng đêm để chờ tin tức sự kiện.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện vụ cá chết tại miền Trung vừa qua giúp Chính phủ có chỉ đạo kịp thời. “Trong vụ cá chết tại miền Trung vừa qua, nhiều địa phương chưa nhận thức được vấn đề nghiêm trọng thế nào nên đã chưa kịp thời báo cáo. Nhờ có báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đã tìm ra được nguyên nhân và sớm kết luận”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng thăm hỏi, chúc mừng các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 91 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Ảnh Như Ý

Cần cuộc cách mạng mới trong nghề báo

Đánh giá về những khó khăn của báo chí, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí đang đứng trước cuộc biến động rất lớn trong truyền thông. Thời điểm kỷ nguyên số vừa là thời cơ vừa là thách thức, trong đó thách thức là rất lớn. Điều đó là cuộc chiến để các tờ báo in trước đây và bây giờ đến truyền hình phải rất nỗ lực để giữ độc giả, giữ thị phần. 

“Hiện nay giới trẻ, những người trung niên, kể cả những người lớn tuổi tỷ lệ xem tin tức, truyền hình, giải trí trên các phương tiện số. Vậy làm thế nào để vượt qua được thách thức đó? Đó chính là bài toán lớn nhất cho tất cả các cơ quan báo chí kể cả với, các đài truyền hình”, ông Trần Bình Minh nói.

Thủ tướng khẳng định, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, internet… các tòa soạn báo in đối mặt với sụt giảm doanh thu khi người dân chuyển mạnh sang xem báo mạng trên internet. Các báo điện tử cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội. Nhà báo đối mặt trước những cám dỗ, mặt trái của thị trường. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Như Ý

“Cuộc phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông yêu cầu chúng ta phải có cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử… Báo chí cần liên tục đổi mới sáng tạo để tìm ra hướng đi mới, cách đưa tin mới mới đáp ứng được yêu cầu. Tại VN tỷ lệ người dùng internet đã đạt 49 triệu dân, chiếm 52% dân số, đứng thứ 5 châu Á và 13 trên thế giới”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí và người làm báo cần khắc phục hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên dương các điển hình người tốt, việc tốt; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng, nhân dân và toàn xã hội. Thứ hai, báo chí cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực vừa là kênh phổ biến, vừa là kênh phản biện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Thủ tướng cũng lưu ý về nhiều hạn chế trong hoạt động báo chí, điển hình như còn một số bài báo gây hoang mang trong xã hội và doanh nghiệp. Người nông dân điêu đứng bởi một số thông tin giật gân không đúng sự thật.

Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo VN cho biết: Từ tờ báo Thanh Niên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đến nay báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu với hơn 23.000 hội viên, 838 cơ quan báo chí.