Thủ tướng Anh có thể hứng thêm tai ương khi Ấn Độ chơi rắn

TPO - Ấn Độ tiếp tục thể hiện là một trong những nước cứng rắn nhất thế giới trong đàm phán thương mại, khi sẵn sàng bỏ lỡ thời hạn hoàn tất đàm phán hiệp định với Anh.

Thủ tướng Anh Liz Truss

Dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ ưu tiên việc “thu hoạch sớm” các thỏa thuận thương mại trong năm 2021, New Delhi mới chỉ ký 2 thỏa thuận mới, với UAE và Úc.

Đối với Thủ tướng Anh Liz Truss, quan điểm của Ấn Độ có thể buộc bà phải nhượng bộ nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại lớn. Nếu thất bại, bà sẽ hứng thêm một đòn giáng nữa đối với tầm nhìn hậu Brexit, rằng Anh có thể ký thỏa thuận mới với những thị trường trước đây đóng cửa với London vì nước này là thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ cũng đã đánh tín hiệu rằng việc ký thỏa thuận thương mại với Anh không nằm trên bàn vào lúc này.

Không ký thỏa thuận thương mại với Anh sẽ là cơ hội bị bỏ lỡ đối với Ấn Độ, trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh những nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc. Nếu được ký, đây sẽ là thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất và tham vọng nhất đối với Ấn Độ từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Anh và Ấn Độ đang vấp vì vấn đề quyền tiếp cận của hàng ngàn lao động có tay nghề của quốc gia Nam Á, vì thế hai bên có thể bỏ lỡ kế hoạch ký kết trong tháng 10 như kỳ vọng.

Quan điểm đàm phán của New Delhi cứng rắn sau khi Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nêu lo ngại về vấn đề di cư từ Ấn Độ. Phản ứng với phát biểu này, Ấn Độ nói rằng cả hai nước nên “tôn trọng” và “thấu hiểu” trong vấn đề di cư.

New Delhi cũng muốn đòi lại nửa tỷ bảng mà các lao động Ấn Độ đóng góp vào hệ thống an ninh xã hội Anh như một phần của thỏa thuận này, những người nắm được vấn đề cho biết. Bên cạnh đó, việc Anh đề xuất hạn chế di chuyển của lao động có tay nghề sẽ khiến thỏa thuận thương mại có lợi cho London, thay vì tạo nên cơ chế cùng thắng.

Trong năm nay, chính phủ của Thủ tướng Modi trì hoãn tham gia sáng kiến thương mại mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Mỹ, trước đó cũng rút khỏi thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là một thành viên.

Max Blain, phát ngôn viên của Thủ tướng Truss, khẳng định chính phủ Anh vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ vào cuối tháng 10, “nhằm đưa Anh lên vị trí đầu để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông của Ấn Độ và thúc đẩy kinh tế Anh tăng thêm hơn 3 tỷ bảng vào năm 2035”.

Ông Blain từ chối bình luận về những phát biểu từ phía Ấn Độ về vấn đề di cư. “Có những cuộc đàm phán phức tạp đang diễn ra trong hàng loạt vấn đề”, ông nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/10.

Anh và Ấn Độ khởi động đàm phán hiệp định tự do thương mại từ tháng 1 năm nay, với mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối tháng 10 này. Tuy nhiên, thời hạn đó có vẻ sẽ bị bỏ lỡ khi hai bên chưa tháo gỡ được vướng mắc, những người nắm được tình hình cho biết.

Với 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Khi thời hạn hoàn tất đàm phán cận kề, Ấn Độ vẫn chưa đồng ý với nhiều vấn đề quan trọng đối với Anh, bao gồm hạ thuế quan nhập khẩu với ô tô và rượu whisky, một trong những điều kiện chính mà Anh nêu ra, vì chính phủ của ông Modi vẫn chờ tiến độ trong đàm phán về quyền di chuyển của lao động có tay nghề.

Hai nước kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương vào năm 2030, từ mức 17 tỷ USD hiện nay.

Theo Bloomberg