Tại lò nung của gia đình chị Nguyễn Hồng Hợp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), những ngày này, dây chuyển sản xuất nhộn nhịp, hối hả cho ra lò những con hổ đất, heo đất để kịp đáp nhu cầu của thị trường ngày một tăng cao trong dịp Tết.
Chị Hợp nói rằng, ngày thường, cơ sở chị sản xuất heo đất và đến gần Tết thì chuyển qua làm thêm gốm con giáp của năm để bán. Trung bình một ngày, lò nung của chị sản xuất được khoảng 800 con “hổ ngậm ngọc” – đây là sản phẩm đất nung mới ra mắt cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
"Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hiện lò đã có mối đặt sẵn từ sớm, gia đình tôi phải nhờ người làm công ở lại tăng ca sản xuất mới đáp ứng được đơn hàng cho đối tác dịp Tết. Mỗi ngày, xưởng cho ra lò khoảng 2.500-3.000 heo, hổ”, chị Hợp nói.
Chị Hợp cũng cho biết, vì tính tiền công trên đầu sản phẩm nên có sức khỏe thì làm bao nhiêu cũng được, làm nhiều hưởng nhiều. Có thợ nung được trả từ 500.000 đồng – 700.000 đồng/ngày, thậm chí 1 triệu đồng/ngày.
Để sản xuất ra được 1 sản phẩm gồm các công đoạn: nhào trộn đất sét thành dung dịch đặc quánh sau đó đổ vào khuôn đúc có sẵn. Trong thời gian 1-2 giờ, họ gỡ khuôn đúc để lấy phần thô của sản phẩm rồi cho vào lò, nung nóng liên tục từ 10-12 tiếng để tạo ra sản phẩm gốm.
Anh Trần Thanh Thư , 42 tuổi, thợ làm heo đất tại thị xã Tân Uyên cho biết, việc làm linh vật dịp Tết diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mức thù lao tương đối cao nếu chịu khó làm. Trung bình thu nhập của anh vào dịp Tết là khoảng 15-16 triệu.
“Nghề làm heo đất cực nhất là vào các tháng mùa mưa, đang làm mà trời đổ mưa là phải nhanh chóng phủ bạt, thu gom sản phẩm vào trong kho cho kịp để tránh cho sản phẩm bị hư hỏng, nắng thì ra làm tiếp. Vào những ngày mưa nhiều, thu nhập tôi cũng giảm vì không làm được nhiều sản phẩm", anh Thư bộc bạch.