> Lập đội cơ động chống mặc phản cảm, bài trừ hát nhép?
Theo Thu Minh, “các bạn phóng viên thường chụp ảnh từ phía cánh gà, nên không phản ánh được cái nhìn trực diện từ phía khản giả”.
Cô nói thêm rằng một số anh phóng viên “chụp từ dưới lên” nên cũng không phản ánh được cái nhìn ngang của khán giả. Từ đó, các anh phóng viên đã cho ra đời “những bức ảnh phản cảm”, còn một số tờ báo cho đăng nó để câu người đọc.
Phát biểu của Thu Minh trên diễn đàn, lần đầu tiên sau sự cố mặc phản cảm bị phạt, khiến không ít người cười ồ lên. Như vậy theo ca sĩ này thì hình ảnh phản cảm của cô được tạo ra là do nhà báo cố tình soi mói.
Hiểu theo cách nói của Thu Minh thì cô chỉ mặc “che kín một phía”? Mà tại sao khi lên sân khấu biểu diễn trước hàng ngàn người, nghệ sĩ “chỉ cần kín phía trước”?
Thu Minh thường xuyên biểu diễn các bài hát kèm theo vũ đạo sôi động, di chuyển liên tục trên sân khấu, quay nhiều vòng, thậm chí có những màn nâng đỡ lên cao. Không hiểu cái kiểu trang phục “kín một phía” thì che được những gì?
Là nghệ sĩ lẽ ra cô nên đặt niềm tin vào khán giả. Người đọc đông đảo là điều đáng mừng, đáng tin cậy. Chính họ chứ không ai khác sẽ tạo ra được nhiều cái nhìn hơn, nhiều tiếng nói đa dạng hơn, trước các hiện tượng xã hội.
Trong cả trăm ngàn độc giả ấy, có mấy người ủng hộ cách ăn mặc của Thu Minh và một số nghệ sĩ khác trên sân khấu (và thậm chí tự mình thực hiện những bộ ảnh hở hang)?
Hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người phản ứng trước cách phục trang không liên quan gì đến nghệ thuật và không ăn nhập gì với nội dung trình diễn. Hàng ngàn bình luận phê phán quyết liệt.
Ca sĩ đứng lên khẳng định có động cơ “hạ bệ nhau”! Cô là nạn nhân của chiến dịch hạ bệ. Thu Minh có rơi vào một chiến dịch hạ bệ không? Câu trả lời là không.
Các diễn đàn hiện nay mọc như nấm. Bản thân Thu Minh có không ít fan. Nếu những người này bảo vệ cô, chắc chắn không thiếu diễn đàn để họ giải bày và phản công. Vì sao họ im lặng? Lẽ ra Thu Minh nên tự tìm câu trả lời.
Cộng đồng báo chí nói chung, đặc biệt là báo mạng (các báo in giờ đây cũng được đưa lên mạng) rất rộng lớn. Sự tham gia tương tác của người đọc tạo nên không khí báo chí đa chiều mà người ta gọi là thời kỳ báo chí hậu hiện đại.
Ở đó, người cung cấp các thông tin cũng chịu sức ép rất lớn không kém gì thông tin anh ta đưa ra. Những bức ảnh phản cảm, do người chụp cố tình tạo ra, chắc chắn cũng sẽ bị “ném đá” không thương tiếc.
Thu Minh cho biết cô không muốn chịu nhiều sức ép. Điểm này, cô ca sĩ giỏi vũ đạo có lý. Không ít người mặc thậm chí hở hơn, nhưng lại không bị ống kính nhà báo chộp.
Việc săn ảnh luôn dành cho người nổi tiếng. Làm người nổi tiếng quả không dễ. Cô có thể bị soi từ trong cánh gà.
Là người được khán giả yêu thích, lẽ ra Thu Minh và các nghệ sĩ khác nên tạo dựng một hình ảnh đẹp trong lòng khán giả hơn là than phiền rằng mình bị chú ý quá.
Trước thông tin bị “treo diễn”, bị cấm lên truyền hình, cô bộc bạch rằng nhiều công ty hoang mang không mời diễn, gây thiệt hại kinh tế. Trăn trở lo lắng của Thu Minh không sai, nhất là trong thời buổi kinh tế suy thoái.
Nhưng còn những thiệt hại về tinh thần? Sự thất vọng của các bạn trẻ và người xem đối với sự xuống cấp của nghệ thuật thì sao?
Có mặt tại hội nghị, ca sĩ gạo cội Ánh Tuyết cho rằng cần “triệt tận gốc” những tiêu cực trong tổ chức biểu diễn hiện nay. Đấy có thể là một liều thuốc đắng, nhưng cần thiết trong tình trạng văn nghệ đang đánh mất những phẩm chất cao quý.
Với Thu Minh, nếu cứ tồn tại trong một sân khấu rẻ rúng thì cô khó lòng xây dựng được những hình ảnh tốt đẹp cho bản thân, dù với sự cố vừa qua hẳn cô đã phần nào thấy được cái sai của mình.