Thi hành án về tiền đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay
Sáng 7/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý IV (2024) để cung cấp thông tin hoạt động tòan ngành.
Tại buổi họp, Bộ Tư pháp cho biết, công tác Thi hành án dân sự (THADS), theo dõi Thi hành án hành chính (THAHC) thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, kết quả THADS về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, qua bước đầu thống kê từ kết quả thi hành án của các địa phương cho thấy, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao trên 83,25%.
Về tiền, các đơn vị Thi hành án đã thi hành xong hơn 117.349 tỷ đồng, tăng hơn 27.843 tỷ đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,46% (tăng 5,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,01% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao trên 46,45%.
Riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.
Về kết quả thi hành án hành chính, Bộ Tư pháp cho hay trong 12 tháng năm 2024, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73.7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 652 bản án.
Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành là 1.066 bản án, chủ yếu các bản án mới phát sinh trong năm 2023 - 2024.
Tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm
Từ nay đến hết Quý IV/2024, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục tham mưu thể chế hóa kịp thời, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp...
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp tục tổ chức, thi hành các vụ án, vụ việc lớn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2024 và giao chỉ tiêu thi hành án năm 2025.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý/
Triển khai các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Hội nghị các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia năm 2024 tại Việt Nam và Hội nghị các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào năm 2024 tại Lào.
Tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ Nhất nhân dịp hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 80 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2025).