Cây không có nhất, nhì, đắt, rẻ
Sử Trường Sơn bắt đầu chơi cây từ những năm 80. Thời điểm ấy, thú chơi này ở Hà Nội gần như bị cuộc sống bao cấp ăn cơm độn bo bo làm cho lụi tàn. Lúc đó, ông Sơn là phóng viên báo Quân đội nhân dân, rất hay la cà ở phố cây Lý Nam Ðế học lỏm các nghệ nhân già. Nhờ thế, ông biết rất nhiều về nghệ thuật chơi cây.
Công việc phải đi khắp nơi tạo điều kiện để Sử Trường Sơn tiếp xúc với rất nhiều loại cây hiếm, lạ. Tích cóp từng chút một, thú chơi này theo ông đến tận giờ, và lan truyền sang cả người thân, bè bạn.
Câu mà ông Sơn hay nói với các hậu duệ chơi cây của mình là: cây không có giá, không phân đắt rẻ, đẹp xấu vì cây nào cũng đẹp. Trong vườn nhà ông có rất nhiều cây mọc tự nhiên. Một cây đề, một gốc hoa sữa, cây sung, cây nhãn, cây na… đều được chủ nhân chào đón, biến chúng thành các cây cảnh nghệ thuật.
Sử Trường Sơn có những cây cảnh rất quý. Ví dụ cây sanh song thụ đồng nhất ngũ phúc mỗi cây có 5 tán, 2 cây là 10 tán. Năm 1802 cây này được giải thưởng của triều đình Huế. Ông Sơn đã mua lại với giá tương đương một căn nhà tập thể tại Nghĩa Đô. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế trong nhà còn khó khăn, nhiều người coi hành động đó của ông là "điên", không chấp nhận nổi.
Sử Trường Sơn sở hữu những gốc cây cảnh có thể nói là rất quý ở Việt Nam. Ví dụ cây sanh song thụ đồng nhất ngũ phúc mỗi cây có 5 tán, 2 cây là 10 tán, trong giới chơi cây hầu như ai cũng biết. Năm 1802 cây này được giải thưởng của triều đình Huế. Năm 1902 được chuyển về Ðông Ðô (Hà Nội) nhà cụ Trưởng Tràng trong làng Ngọc Hà. Cụ là đời thứ 5 chơi cây này. Năm 1989 trong bản di chúc phân chia tài sản cụ chia cho cô con gái. Ông Sơn đã mua lại với giá tương đương một căn nhà tập thể tại Nghĩa Ðô. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế trong nhà còn khó khăn, nhiều người coi hành động đó của ông là "điên", không chấp nhận nổi.
Hoặc vào thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đi công tác ở miền Trung ông Sơn phát hiện một gốc đại vài trăm năm tuổi dài 13,5m, dáng rồng. Ông kiên trì mua bằng được. Sau đó, phải thuê riêng một xe tải đại (chỉ được phép lưu thông vào ban đêm) để chuyên chở. Cứ 9h tối, lái xe chở “cụ đại” đi, 4h sáng lại phải tìm nơi trú ẩn. Mất năm ngày mới đến Hà Nội và chỉ được phép đỗ ở đầu đường Thanh Niên. Lại phải chế một cái xe bốn bánh, thuê người đẩy thủ công vào tận vườn trong khu An Dương.
Mỗi gốc cảnh của ông Sơn còn đặc biệt ở chỗ chúng đều có thân phận và những câu chuyện ở đằng sau. Cho dù là cây nhỏ nhất. Bộ bốn cây phi lao chẳng hạn. Có cây trong thân còn nguyên một mảnh bom, di chứng của thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt trong thành cổ Quảng Trị. Trong chuyến công tác đi tìm đồng đội, một gia đình địa phương đã tặng ông cây phi lao này.
Hoặc cây vú sữa ngay trước cửa nhà ông. Năm 1975 một đồng chí trung úy ở Sài Gòn ra quân, chỉ mang theo cái đồng hồ Citizen và cây vú sữa về Gia Lâm, cạnh học viện Nông Nghiệp. Cây vú sữa lớn lên, cứ có quả chín anh lại hái cho sinh viên. Khi mở đường mới, phải chặt, anh ấy quyết định tặng Sử Trường Sơn làm kỷ niệm.
Chơi gì cũng phải là top nhất
Nói về thú câu cá của Sơn báo, nhà nhiếp ảnh Xuân Bình kể một kỷ niệm rất thú vị. Cách đây gần hai chục năm, anh được giới thiệu một tay câu “thần sầu” để viết bài cho tạp chí Sành Ðiệu.
Xuân Bình đến gặp Sơn báo, đề nghị được theo ông đi câu một buổi. Hai anh em vác cần ra Hồ Tây. Sơn báo câu không dùng mồi, chỉ thả thính. Cần câu của ông thuộc loại đơn giản nhất, lưỡi câu bé nhất và mảnh nhất. Tìm chỗ đặt cần xong, ông ra quán nước vỉa hè uống rượu trắng với sung. Chờ một lúc, thấy có tăm cá, Sơn báo chuẩn bị nhấc cần, ông bảo Xuân Bình: con này là chép, khoảng bảy lạng. Nhấc lên cân, đúng bảy lạng tròn. Thêm chén rượu nữa, lại thấy tăm cá. Sơn báo quan sát mặt nước bảo con này vào đuôi, bốn lạng thôi. Kết quả cũng không sai chệch. Sau đó Xuân Bình kết luận: đàn ông đi câu cá mà gặp Sơn báo thì chỉ có bẻ cần. Cũng lúc đó anh biết được, xung quanh hồ Tây có ba người nổi tiếng về câu cá là Sơn báo, Sơn kho và Sơn cụt.
Sở dĩ Sử Trường Sơn giỏi câu là vì ngày nhỏ ở sát hồ Ba Mẫu, cứ ra đấy thả cần nên quen tay. Cộng với kiến thức về cá học từ bố (Nhà giáo Sử An Ninh - một trong những ngọn cờ đầu xây dựng nền khoa học nông nghiệp ở Việt Nam). Ông có thể nói vanh vách đặc tính của từng loại cá. Chẳng hạn: rô phi, ăn rất bẩn ở rất sạch. Cho nên muốn câu cứ rình ở cửa cống là gặp nó. Mùa heo may, chọn chỗ nào sạch nhất, vét bùn, đổ cát là nó vào.
Hoặc giống trôi, cứ hoa phượng nở là vào bờ ăn. Ðến tháng chín sẽ tìm chỗ sâu nhất ngủ đông. Ngủ đông ba tháng phù du bám đầy người. Tháng chạp, muốn bắt chỉ cần đóng cọc, nó sẽ vào gãi, buông cần là trúng.
Trời nắng, đi xe sẫm màu.
Ông Sơn giữ xe bằng cách bảo dưỡng định kỳ và cho bạn bè mượn đi để đỡ hỏng.
Thú chơi mô tô cũng vậy. Sử Trường Sơn là người đầu tiên ở Hà Nội sở hữu những cái Citi, Shadow và Harley nguyên bản. Nguyên tắc chơi xe của ông là không độ và không bán. Ông cho rằng, nếu bán, sẽ mất tác phẩm và tâm huyết của mình. Ðể có kinh phí đắp vào những cuộc chơi, ông kinh doanh thứ khác: nhà hàng, công ty tổ chức sự kiện, trang trại v.v…
Hiện nay, Sử Trường Sơn sở hữu bộ sưu tập 27 chiếc cả xe phân khối lớn và xe cỏ. Rất nhiều chiếc xe vốn có giá “liên thành” nhưng ông không bán mà giữ làm kỷ niệm. Như chiếc Honda super cub 50 đời 79 do bố ông đi chuyên gia Công gô về mua tặng hai anh em. Em ông bán đi mua được một cái nhà ở Vân Hồ. Riêng ông giữ lại, giờ đã hơn 30 năm vẫn mới tinh, và mới đi được 1.000km.
Sơn báo chơi xe cũng như chơi cây. Ông quan tâm đến thân phận, lịch sử, nguồn gốc xe, tiếng nổ xe, và cả đăng ký xe. Những cái xe ấy được chủ nhân chọn đi theo thời tiết. Trời nắng đi xe màu sẫm, thời tiết âm u, sẽ đi xe màu sặc sỡ. Trong số tên những người sở hữu những cái xe khủng nhất và cổ nhất Việt Nam, có Sử Trường Sơn.
Sử Trường Sơn sinh năm 1957, đại tá, nguyên trưởng phòng phát hành quảng cáo báo Quân Ðội nhân dân.
Hiện ông là chủ của công ty Sử Trường Sơn, sở hữu các thương hiệu: nhà hàng Softwater Restaurant, công ty tư vấn thiết kế kiến trúc An Trường Minh, Phòng vé Minh An.
Là người đồng sáng lập trang trại giáo dục Edufarm.
Nghệ nhân – phó chủ tịch Hội cây cảnh nghệ thuật Hà Nội.