Sáng 11/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Lượng kiều hối gửi về Việt Nam rất nhiều, chỉ trong năm 2023 là 16 tỷ USD, nhưng người dân gửi đô la Mỹ vào ngân hàng thì lãi suất ở mức 0%.
Trong khi đó, ngân hàng vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ, phải trả lãi. Ông Hoà nêu: Sao ngân hàng không vay ngoại tệ của dân để người dân có lợi dù là lãi suất thấp hơn lãi suất vay vốn nước ngoài?
Giải thích lý do áp dụng "công cụ" lãi suất bằng 0% đối với gửi ngoại tệ, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây, tình trạng tỷ giá của Việt Nam thường xuyên biến động; có những lúc nền kinh tế thặng dư ngoại tệ, tập trung vào các khu vực nhưng lại găm giữ và không bán. Người có thì không bán, người có nhu cầu thì rao muốn mua, gây biến động, bất ổn kinh tế vĩ mô. Từ năm 2016, ngân hàng đã có nhiều giải pháp để ổn định, trong đó có việc đưa lãi suất gửi đô la Mỹ về 0%.
Theo bà Hồng, tỷ giá đô la Mỹ với VNĐ hằng ngày có lên, xuống, nên việc đưa lãi suất gửi đô la Mỹ về 0% giúp hạn chế tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì bán cho tổ chức tín dụng, và tổ chức tín dụng bán cho nhà nước, nên có lúc dự trữ ngoại hối gia tăng ở mức rất cao.
"Nếu giờ ngân hàng nhà nước tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên thì nghĩa là người nắm giữ ngoại tệ vừa được lợi về biến động tỷ giá, họ vừa được lãi suất tiền gửi nữa, gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, thị trường có nguy cơ rủi ro trở lại", bà Hồng nói.
Còn việc vay nợ nước ngoài, theo bà Hồng, bản chất, hiện nay Việt Nam đang thiếu vốn, nên phải huy động nguồn lực từ nước ngoài, thông qua nhiều kênh như đầu tư trực tiếp, gián tiếp... nhưng vẫn phải thực hiện các giải pháp để đảm bảo cân đối vĩ mô.
Đại biểu Phạm Văn Hoà tranh luận, theo số liệu ông nắm được, từ năm 1993 - 2023, kiều hối gửi về Việt Nam là 206 tỷ đô la. Ông Hoà nêu, lượng kiều hối này rất lớn nhưng ngân hàng không chịu huy động, mà huy động thì lãi suất bằng 0.
"Trong khi đó nhà nước đi vay vốn nước ngoài chịu lãi suất. Người dân có tiền thì lại không vay. Tại sao không vay ngoại tệ của người dân, dù lãi suất thấp hơn và đồng thời góp phần kích thích kiều bào gửi tiền về nhiều hơn", ông Hoà nói.
Giải thích thêm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Việt Nam là "hạn chế vàng hoá, hạn chế đô la hoá". Điều này sẽ thúc đẩy người dân, doanh nghiệp có ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng, khi cần thì mua ngoại tệ; chủ trương chuyển từ huy động, cho vay bằng ngoại tệ sang mua và bán ngoại tệ.
"Nếu huy động, cho vay bằng ngoại tệ, các tổ chức tín dụng sẽ gặp rủi ro tỷ giá biến động khó lường", bà Hồng nói. Theo bà Hồng, chủ trương áp lãi suất gửi ngoại tệ 0% sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ chuyển hoá thành VNĐ để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, từ năm 2016, do chính sách này, lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, ổn định thị trường ngoại hối. Còn việc đi vay ngoại tệ, theo bà Hồng, đó là để phục vụ nhu cầu về vốn để phát triển.
Theo đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đăk Lăk), hiện việc kinh doanh, giao dịch ngoại tệ online (gọi là sàn forex) là hoạt động trái pháp luật. Đại biểu đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN về việc quản lý kinh doanh ngoại tệ hiện nay.
Về vấn đề này, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, hiện chỉ các tổ chức tín dụng mới được kinh doanh ngoại hối. Khi doanh nghiệp, người dân cần ngoại tệ thì giao dịch với các tổ chức tín dụng.
"Hiện nay, chưa cấp phép sàn giao dịch nào cả. Nếu giao dịch trên các sàn này có nguy cơ bị lừa đảo", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, đồng thời cho biết, sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để tăng cường phát hiện, xử lý các sàn giao dịch này.