Các sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo nên 18 bộ trang phục độc đáo, thể hiện cá tính riêng từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi như túi nilon, vải màn, bao tải như bộ sưu tập (BST) Rượu vang đỏ của nhà thiết kế Nguyễn Từ Quỳnh Anh.
Hay như BST Sự lụi tàn của thiên nhiên của nhà thiết kế Đinh Hằng, sinh viên năm đầu, lớp 23 Thời trang 1, Khoa Thiết kế và Sáng tạo là hình ảnh những chiếc lá khô héo rất mỏng manh và dễ vỡ, tượng trưng cho sự mong manh, dễ vỡ của cuộc sống.
Đinh Hằng cho biết, để có được chiếc váy này, em dùng hơn 40 chai nhựa, kết hợp cùng giấy vụn, báo, giấy xi măng, sắt thép, sau đó phun màu để tạo điểm nhấn.
Ở BST "Sự lụi tàn của thiên nhiên", ý tưởng ban đầu của Hằng là làm bộ váy bằng lá, bên trên xanh và vàng dần xuống bên dưới, thể hiện sự lụi tàn của thiên nhiên. Tuy nhiên, thực tế khi bắt tay thực hiện, cô thấy không thể giữ được màu lá xanh nên quyết định dán hàng trăm chiếc lá bàng khô lên nền giấy để làm nên chiếc váy dài hơn 3m.
BST PNN của nhà thiết kế Nguyễn Từ Quỳnh Anh có sự kết hợp độc đáo giữa hai chất liệu giấy báo là một chất liệu mỏng manh, dễ rách, tượng trưng cho sự mong manh của cuộc sống. Nilon là một chất liệu dai, bền, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự kiên cường. Trang phục "PNN" kết hợp cả hai chất liệu này, thể hiện thông điệp về sự mong manh nhưng đầy sức sống của cuộc sống.
Trang phục "PNN" được làm từ những vật liệu tưởng chừng như không thể sử dụng để may vá, đi ngược lại với những quy tắc thông thường trong ngành thời trang. Điều này vừa thể hiện tinh thần sáng tạo và phá cách của các nhà thiết kế, vừa mang thông điệp bảo vệ môi trường có thể tái sử dụng những vật liệu quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của con người.
Nguyễn Từ Quỳnh Anh còn có một BST nữa là "Nilon Revival" mang ý nghĩa "sự hồi sinh của nilon". Nilon là một loại vải tổng hợp thường bị chỉ trích vì tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, bộ trang phục này thể hiện ý tưởng tái sử dụng và biến tấu nilon thành một chất liệu mới mẻ đồng thời cũng mang thông điệp bảo vệ môi trường sống trước vấn nạn rác thải nilon.
Trong khi đó, từ những mảnh bao tải, nhà thiết kế Nguyễn Kiều Trang, sinh viên năm 2, ngành Quản trị đô thị và Bền vững lại thiết kế nên trang phục "Thảo nguyên xanh", lấy cảm hứng từ hình ảnh những thảo nguyên xanh rộng lớn, bao la, tượng trưng cho thiên nhiên hoang dã, hùng vĩ và sự tự do phóng khoáng. Màu xanh lá cây của trang phục gợi lên cảm giác tươi mát, trong lành, tràn đầy sức sống, đại diện cho sự kết nối với thiên nhiên và môi trường.
Kiều Trang cũng là Chủ nhiệm câu lạc bộ thời trang tình nguyện, Trưởng ban tổ chức chương trình biểu diễn thời trang tái chế lần này cho biết với khoảng 35 thành viên và một số cộng tác viên, trong một tuần, nhóm hoàn thành 3 bộ sưu tập: sáng tạo, bảo vệ môi trường và dạ hội.
Ở BST môi trường, nhóm đưa những hình ảnh cỏ cây hoa lá vào nhằm thể hiện thông điệp bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta.
BST sáng tạo, với chất liệu chủ yếu bằng jean, túi nilon hoặc giấy báo, nhóm muốn truyền tải thông điệp về thời trang sáng tạo.
Trong khi đó BST dạ hội, với chất liệu từ giấy báo, lá cây, bao tải, nhựa…, nhóm mong muốn thể hiện tình yêu thuần khiết và khát vọng của con người.