24/09/2021
Nhiều năm trước khi còn dẫn dắt Mainz, Thomas Tuchel từng lặn lội sang Barcelona nhiều lần để mục sở thị phương pháp huấn luyện của Pep Guardiola. Ông cũng nghiền ngẫm bộ phim tài liệu về HLV người Tây Ban Nha trong 2 giờ ngồi trên xe bus khi di chuyển cùng đội.
Đó là lý do trong thời gian nghỉ ngơi sau khi rời Mainz, Tuchel đã gặp Pep trong một quán bar ở Munich. Trong 4 tiếng, ông đã cùng thần tượng của mình thảo luận say sưa về bóng đá. Đồng thời có thể cùng Pep mổ xẻ những tình huống trong một trận đã xảy ra từ rất lâu, sau đó phân tích về những gì sẽ xảy ra nếu điều chỉnh vài chi tiết.
Không có gì bí mật cả, Tuchel ngưỡng mộ Pep và luôn mơ về thứ bóng đá lý tưởng mà ông này xây dựng ở Barca. Tuy nhiên HLV người Đức không bị ám ảnh tới mức cố gắng bắt chước một cách mù quáng. Ông đủ thực tế để biết khả năng của đội bóng mình dẫn dắt, về các điểm mạnh điểm yếu và làm thế nào để tạo nên một đội bóng tốt.
Tuchel không chỉ lấy cảm hứng từ Pep. Ông từng gặp Matthew Benham, chủ sở hữu Brentford để tìm hiểu về mô hình thống kê, tham khảo phân tích chiến thuật của các blogger, áp dụng Lý thuyết Học tập khác biệt của Giáo sư Wolfgang Schollhorn.
Chưa hết, ông còn học hỏi cả phương pháp huấn luyện bóng rổ và đưa nó vào các buổi tập nhằm tập cho các cầu thủ thói quen hành động độc lập với suy nghĩ. Hồi ở Mainz, ông cũng tổ chức buổi tập chung với đội bóng ném để nâng cao thể chất.
Triết lý của Tuchel là theo đuổi các nguyên tắc nhưng không bị ràng buộc theo bất cứ phong cách nào. Nó có thể gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng nhưng ngay khi bước vào trận đấu, tất cả lập tức nhận ra hiệu quả. Các cầu thủ cảm giác rằng mọi thứ khi thi đấu dễ hơn lúc tập luyện, và họ tự tin bởi có sự chuẩn bị cho mọi tình huống.
Vì vậy Mainz, Dortmund, PSG rồi hiện tại là Chelsea đều không có chút gì giống như bản sao của Barca khi được dẫn dắt bởi Pep. Và khi đội bóng của Tuchel định hình, họ tốt đến mức dù đối thủ có hiểu rõ cách vận hành không rất khó để đánh bại.
Pep hiểu điều này hơn ai hết qua 8 lần chạm trán với Tuchel trong quá khứ. 3 lần đầu Pep giành chiến thắng vang dội bởi khi ấy Tuchel vẫn đang trong quá trình học hỏi. Đến hai lần sau, đặc biệt là trận chung kết Cúp Quốc gia Đức 2016, Pep đã không khuất phục được Tuchel cho đến trước loạt luân lưu.
Tới khi Tuchel chuyển sang dẫn dắt Chelsea, Pep trở thành bại tướng trong cả 3 cuộc đụng độ. Trước trận chung kết Champions League 2020/21, HLV người Tây Ban Nha đã mô tả cặn kẽ lối chơi của The Blues, từ việc giữ cự ly đội hình, tuyến giữa linh hoạt đến khả năng kéo dãn đội hình đối phương theo chiều rộng của các hậu vệ cánh và chiều sâu của tiền đạo.
Thế nhưng Man City của Pep vẫn nhận lấy thất bại ở Porto. Kế hoạch mà Pep triển khai, như không sử dụng tiền vệ phòng ngự, đưa De Bruyne vào vị trí “số 9 ảo”, đều phá sản. Trong khi đó, Chelsea của Tuchel vẫn gắn bó với sơ đồ 3-4-2-1 và mài sắc các đợt phản công.
Bây giờ Chelsea có hơi khác một chút. Phần vì họ đang có rất nhiều tiền vệ đẳng cấp, phần vì Kai Havertz có thể đá cao hơn để tận dụng khoảng trống mà Romelu Lukaku mang lại. Nó khiến hệ thống giống như 3-5-2 và mang đến trải nghiệm khó khăn hơn cho Man City.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tuchel bác bỏ tuyên bố rằng ông giỏi hơn Pep. 3 chiến thắng liên tiếp không làm cách nhìn nhận của HLV người Đức thay đổi. Sự tôn trọng dành cho đồng nghiệp lớn hơn 2 tuổi vẫn nguyên vẹn như khi ông lặn lội tới Barcelona hoặc chăm chú tìm tòi những thứ hay ho trong bộ phim về Pep.
Tuy nhiên nếu tiếp tục đánh bại Pep thêm lần nữa để cân bằng tỷ số đối đầu 4-4, hình ảnh về kẻ học việc sẽ được rũ bỏ. Thay vào đó, Tuchel thực sự trở thành đối thủ khó chịu nhất của Guardiola.