Thổi phồng đại dịch H1N1, kiếm  lời 10 tỷ đô?

TPO - Ngành công nghiệp dược phẩm thế giới đã kiếm lời tới 10 tỷ USD bằng việc gây ra sự hoảng sợ trên toàn cầu - Đại dịch cúm H1N1 cách nay tròn 1 năm. Ông Paul Flynn, người phụ trách Ủy ban kiểm tra y tế của Hội đồng châu Âu, nghị sĩ quốc hội Anh cho biết.

Tất cả chúng ta vẫn còn nhớ báo động toàn cầu về H1N1 cùng với những lời kêu gọi cấp bách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mùa thu vừa qua.

Kết quả của các báo cáo độc lập cho biết các công ty dược phẩm khổng lồ đã thu được khoảng lợi nhuận khổng lồ, khi cách đây một năm (11-06-2009) WHO công bố H1N1 là đại dịch toàn cầu và thúc giục chính phủ các nước hãy phòng trữ số lượng lớn vắc xin (khi mới chỉ có vài trăm trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu ở Mexico).

Kết luận này cũng được ông Paul Flynn và tờ báo uy tín chuyên ngành British Medical Journal khẳng định lại. Trong báo cáo của Paul Flynn có nêu”ngay từ đầu đã có thể biết rằng phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều nhẹ,thậm chí nhẹ hơn so với cúm thông thường. Khi đó nhiều người đã phỏng đoán rằng đằng sau những hoạt động này là khoản tiền rất lớn”.

Các số liệu sau đây đã chứng minh về sự báo động quá mức này: Ở vương quốc Anh tổng cộng 360 người chết so với dự báo 65000; Chính phủ Pháp ban đầu đặt 94 triệu liều vắc-xin sau đó hủy bỏ hợp đồng 50 triệu. Chỉ có 312 người chết; Tại một nước nhỏ 10 triệu dân như Hungary, chính phủ cũng đặt mua tới 4 triệu liều vắc-xin.

Ước tính các công ty dược phẩm đã thu lời khoảng 10 tỷ USD từ vụ bán vắc-xin này trong một đại dịch chưa bao giờ tồn tại.

Điểm nghi ngờ tiếp theo là WHO đã che giấu danh tính của 16 thành viên hội đồng cố vấn về H1N1, chỉ biết rằng Hội đồng có ảnh hưởng rất lớn tới WHO. Bà Margaret Chan giám đốc WHO giải thích rằng việc ẩn danh này nhằm tránh không cho các hãng dược phẩm không tiếp cận hay gây sức ép được với họ (?!). Đây là việc làm bất thường từ trước tới nay. Để minh bạch người ta thường công bố rõ danh tính của các chuyên gia cùng với chữ ký cam đoan của họ.

Tuy nhiên không thể phủ nhận sự tồn tại của bệnh dịch, vì hầu như ở các nước đã có người mắc bệnh và người chết. Vấn đề cần tranh luận là WHO đã đưa ra những khuyến cáo dựa trên cơ sở nào, và với ý kiến cố vấn của những ai ?

Về nguyên tắc những chỉ dẫn của WHO mang tính bắt buộc đối vối tất cả các nước thành viên, bởi đây là cách duy nhất chống lại đại dịch toàn cầu, nếu xảy ra.

Qua vụ xì căng đan này, cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và sự minh bạch của các tổ chức Y tế quốc tế. Nếu sau này đại dịch thực sự bùng nổ, liệu tiếng nói của họ còn có đủ trọng lượng hay không ?

Linh Lan
(Theo British Medical Journal và các báo nước ngoài)

Những số liệu thống kê về đại dịch H1N1:

- Ngày 27/04/2009 dịch bắt đầu tại Mexico. Tiếp đó nó lan ra 212 nước, với 1.450.000 người mắc bệnh.

- Tổng cộng 17.700 người chết vì H1N1 so với dự báo 7.500.000 của WHO.

- Theo WHO cần tới 3 tỷ liều văcxin.

- Khoảng 1 tỷ liều vắcxin đã được đặt mua.

- 10 tỷ USD sinh lời trong nghành công nghiệp dược phẩm.

- 65 triệu liều vắc xin đã được tiêm ở 12 nước tính đến tháng 11 năm 2009.

- 33 triệu liều vắc xin đã được WHO chuyển tới các nước nghèo nhất .

- Riêng nước Mỹ còn thừa lại 70 triệu liều văcxin (sắp hết hạn)