Thợ trẻ giỏi năm 2020: Dấn thân để trưởng thành

TP - Không ngại khó khăn, vất vả, những thợ trẻ giỏi sẵn sàng dấn thân làm việc nặng nhọc để trưởng thành hơn. Bằng đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ, họ đã cho ra đời nhiều giải pháp, sáng kiến làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. 
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiền xuống các hầm lò tìm kiếm các giải pháp cải tiến kỹ thuật Ảnh: NVCC

Sáng kiến làm lợi 36 tỷ đồng

 Là kỹ sư của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng, chàng trai dân tộc Nùng Lăng Văn Thượng (SN 1990) đã có nhiều giải pháp, sáng kiến làm lợi cho công ty. Trong đó, có sáng kiến làm lợi cho công ty hơn 36 tỷ đồng.

Thượng là một trong những người con hiếm hoi của xóm Bản Chu, xã Đại Sơn (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) phấn đấu học đến đại học rồi có việc làm ổn định như hiện tại. Thượng kể, quê anh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện còn rất khó khăn. Hồi cấp 1 anh phải đi bộ cả tiếng đồng hồ leo trèo đường rừng để ra điểm trường học mỗi ngày. Đói và rét là chuyện thường gặp của học sinh nơi đây. 

Tuy vậy, cậu học trò nghèo dân tộc Nùng không bỏ buổi học nào. Nhờ kết quả học tập tốt, lên cấp 3, Thượng được học tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, rồi thi đỗ đại học. Với quyết tâm học để thoát nghèo, suốt 4 năm đại học, Thượng luôn đạt kết quả học tập tốt. Tốt nghiệp đại học, Lăng Văn Thượng được nhận về làm việc tại Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng. 

Sau một thời gian làm việc cho công ty, Thượng nhận thấy sản xuất, công suất ép mía của công ty ngày càng tăng lên nhưng hệ thống sản xuất đường kính trắng còn những hạn chế làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cũng như tổn hao chi phí. Trăn trở trước những tồn tại này, Thượng mạnh dạn gặp Ban giám đốc công ty đề xuất giải pháp, sáng kiến “Cải tạo tháp xông, nâng cao cường độ xông SO2”.  Ý tưởng của Thượng nhanh chóng được lãnh đạo công ty đồng ý triển khai. Những ngày tháng sau đó, chàng trai dân tộc Nùng thường đến các phân xưởng gặp công nhân vận hành trao đổi, bàn bạc để tìm ra phương án tối ưu nhất.

Kỹ sư Lăng Văn Thượng tại lễ trao giải hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 6 tỉnh Cao Bằng Ảnh: NVCC


Theo Thượng, thực hiện sáng kiến này khó khăn nhất đối với anh là kinh nghiệm trong sản xuất đường kính. Nhiều hôm anh phải ở lại công ty đến đêm khuya để nghiên cứu các tài liệu. 
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, sáng kiến của kỹ sư Thượng được ban giám đốc đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất của công ty. Một kết quả ngoài mong đợi khi sáng kiến không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm đường tinh luyện mà còn mang lại lợi nhuận cho công ty hơn 36 tỷ đồng. Qua đó góp phần cải thiện mức lương bình quân cho 383 lao động trong công ty. 

Lăn lộn để trưởng thành

 Tốt nghiệp ĐH Mỏ địa chất, Nguyễn Văn Hiền (SN 1986) ứng tuyển làm công nhân khai thác than tại Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin. Quyết định làm người thợ lò đầy vất vả, cực nhọc, khiến gia đình Hiền bất ngờ. “Muốn làm công việc chuyên môn tốt điều quan trọng phải lăn lộn với thực tiễn, hiểu được công việc. Biết được những khó khăn, vất vả giúp mình trưởng thành hơn”, Hiền quan niệm. 

Chàng trai trẻ trải qua 2 năm làm công nhân khai thác than dưới hầm lò. “Hai năm làm công nhân khai thác than là những tháng ngày trải nghiệm quý giá của tôi. Dù rất vất vả, cực nhọc nhưng tôi nhận được tình cảm chân tình của những người thợ lò, luôn sẵn sàng sẻ chia khó khăn với nhau. Đó cũng là nguồn động lực giúp tôi luôn tìm thấy niềm vui, sự hứng thú trong công việc”, Hiền chia sẻ.

Sau 2 năm làm công nhân khai thác than, Hiền được điều chuyển về phòng kỹ thuật. “Về phòng kỹ thuật không còn những cực nhọc như trước đây nhưng tôi lại thấy rất thương những người anh em, đồng đội của mình đang làm việc dưới hầm lò. Vì thế, tôi tìm kiếm các giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm giảm bớt cực nhọc cho anh em cũng như nâng cao hiệu quả công việc”, anh Hiền chia sẻ. 

Từ khi về phòng kỹ thuật, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Hiền cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tiêu biểu như sáng kiến “Đào lò phân tầng +30 lò chợ II - 8A - 4 giếng Cánh Gà” phục vụ thông gió, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; sáng kiến “Đào lò phân tầng +80 lò chợ I-6-1 giếng Vàng Danh” giúp tăng công suất lò chợ xiên chéo sử dụng giàn mềm ZRY, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Trong đó, “Nghiên cứu giải pháp thu hồi than trong sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY tại Công ty Than Vàng Danh” được áp dụng đã cho sản lượng khai thác tăng 16%, năng suất lao động tăng 12,1%. Tính trong 8 tháng cuối năm 2018 doanh thu tăng thêm gần 18 tỷ đồng từ việc thu hồi than.

Hai kỹ sư Lăng Văn Thượng, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng và Nguyễn Văn Hiền, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh sẽ góp mặt trong Lễ tuyên dương Người thợ trẻ giỏi năm 2019, diễn ra tại Đồng Nai vào tối Chủ nhật (5/7).