Tiêu điểm của Ngày thơ Việt Nam vẫn là sân thơ trẻ. Năm nay, ngoài những "góc thơ" đã trở thành quen thuộc như Thơ truyền thống, Thơ trình diễn còn có thêm Thơ sắp đặt. Sáu tác giả tham gia còn khá trẻ, đều có những trăn trở sáng tạo.
Lê Anh Hoài thể hiện tác phẩm "Nhu cầu" với chiếc xe máy được phun sơn trắng, viết những dòng thơ từ bài thơ cùng tên một cách ngẫu hứng lên khắp thân xe, chắp đôi cánh trắng rồi treo trong một chiếc lồng chim khổng lồ, sơn màu vàng nhũ óng ánh.
Chiếc xe còn được anh dán lên nhiều hình ảnh trong tạp chí, từng đoạn báo khá công phu, tạo không khí rất đương đại. Huỳnh Lê Nhật Tấn sử dụng những ống nhựa PVC có vẽ những khuôn mặt người nhập nhoạng, nón lá và những con hạc giấy nhiều kích cỡ to nhỏ sắp đặt theo chủ đề "Trong bé nhỏ đến rộng lớn".
Nhã Thuyên với bộ cửa gỗ cũ gắn những bức phù điêu mở ra phía trước gợi nhiều liên tưởng cho người xem…Góc thơ sắp đặt thu hút được số lượng người xem rất đông, trong đó có không ít người nước ngoài. Có lẽ đây là lần đầu tiên người yêu thơ được thưởng thức thơ với hình thức mới nên không khỏi có những thắc mắc, băn khoăn.
Nghệ thuật sắp đặt (instalation art) là một loại hình nghệ thuật gần đây đang được quan tâm tại Việt Nam, đã có nhiều họa sỹ thể nghiệm và thành công. Nhưng với nhà thơ, hình thức này vẫn còn mới.
Hơn nữa, tư duy về tác phẩm loại này phải bắt đầu từ thị giác chứ không phải bắt đầu từ con chữ. Có lẽ vì vậy mà một số thi sĩ có phần lúng túng khi làm thơ sắp đặt bởi quá lệ thuộc vào con chữ nên chưa có sự thăng hoa trong tác phẩm.
Yếu tố quan trọng nhất đối với một tác phẩm sắp đặt (nói chung) là không gian, mỗi tác phẩm cần phải có một không gian phù hợp, trong đó tác giả có thể bài trí hiện vật, điều chỉnh ánh sáng theo ý đồ nghệ thuật của riêng mình.
Sự độc lập của mỗi tác phẩm là điều không thể xem nhẹ, không thể chấp nhận sự trình bày theo kiểu "liên hoàn" những tác phẩm của nhiều tác giả, bởi cá tính sáng tạo của mỗi người không giống nhau. Cũng cần nói thêm, ở góc sắp đặt lần này còn khá nhiều tác phẩm chỉ đơn thuần là viết chữ trên mặt phẳng.
Ngoài ra, khoảng cách cần thiết giữa người xem và tác phẩm cũng cần được lưu tâm, không phải bất kỳ tác phẩm sắp đặt nào cũng có thể cho người xem sờ mó, thay đổi vị trí hay thậm chí... ngồi cả lên trên như dư luận đã phê phán.
Gặp lại tác giả sau ngày thơ, Huỳnh Lê Nhật Tấn bày tỏ sự nuối tiếc: "Giá như có một không gian rộng hơn, tôi có thể làm được nhiều điều hay hơn nữa.
Thực ra tác phẩm của tôi khi mang (từ Đà Nẵng) ra đến sân thơ trẻ lần này đã bị giản lược đi rất nhiều về ý tưởng để phù hợp với diện tích cho phép". Anh nói thêm: "Nhìn tổng thể góc thơ sắp đặt thì chỉ có "Nhu cầu" của Lê Anh Hoài được coi như tác phẩm tương đối độc lập, không bị hạn chế bởi mặt phẳng đứng của tấm panô dựng phía sau".
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ cảm nhận về thơ sắp đặt: "Đây là một loại hình đã có trong truyền thống của cha ông ta (xưa kia các cụ cũng đã đề thơ lên khăn áo, lên quạt, khắc thơ lên đá...).
Nhưng các tác giả trẻ ngày nay có những sáng tạo rất độc đáo trong sân chơi của mình, tạo nên nét mới, sự bứt phá cho thơ ca đương đại Việt Nam".
Ngày thơ đã kết thúc thành công. Người xem được một buổi "mãn nhãn", người nghe cũng cảm thấy thật ấm áp với những vần thơ hay. Và không ít người tỏ ra khâm phục sự thu xếp tài tình của các tác giả, tác phẩm: Trong một không gian chật chội dường ấy mà thơ (bằng nhiều hình thức, cách thức, nghi thức...) vẫn đến được đầy đủ với người đi xem.