Thợ cả gốm Chăm Bình Định là người Thăng Long?

TP - Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về gốm cổ Bình Định ở Việt Nam (kể từ sau 43 năm phát hiện) diễn ra tại TP Quy Nhơn trong hai ngày 27-28/10 có sức hút đặc biệt. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore… đã tự nguyện “xin” được bỏ tiền túi để không bỏ lỡ cơ hội tham dự.
Một góc gian trưng bày gốm cổ Bình Định. Ảnh: Viết Hiền.

Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11-15)” do Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa xã hội Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định phối hợp tổ chức. Một trong những vấn đề lớn của hội thảo là tập trung phân tích, luận giải sâu hơn, thuyết phục hơn, có cơ sở khoa học tin cậy hơn về vấn đề “chủ nhân” và nghệ nhân của gốm cổ Champa Bình Định.

Phát hiện lạ

Sau cuộc khai quật năm 1974 của Viện Khảo cổ học Sài Gòn tại di chỉ Gò Sành, gốm Bình Định hay gốm Champa Bình Định thực sự “thức giấc”. Đầu thập niên 90, mở rộng điều tra, khai quật, giới khảo cổ phát hiện thêm hàng loạt các di chỉ sản xuất gốm. Đó là Gò Hời, Gò Ké, Gò Giang, Trường Cửu, Gò Cây Me. Các trung tâm sản xuất gốm này có qui mô khá lớn, nằm dọc đôi bờ sông Côn thuộc vùng Tây Sơn và An Nhơn. Sông Côn có vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của kinh đô Vijaya (Champa), kết nối với vùng Thượng - Tây Nguyên phía Tây và biển phía Đông qua thương cảng Thị Nại. 

Vậy là, bên cạnh hệ thống di sản văn hóa Champa là các đền tháp nổi tiếng, Bình Định còn là một trung tâm gốm đặc biệt từ nhiều thế kỷ trước. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành - PGS.TS Bùi Minh Trí, cho rằng việc phát hiện gốm cổ Champa Bình Định giữa Hoàng thành Thăng Long là “câu chuyện hết sức thú vị”. Các hiện vật tìm thấy ở Hoàng thành phong phú về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí, và đều thuộc loại gốm cao cấp. Gồm các loại bình, vò, hũ, chậu tỳ bà, và bát, đĩa…, được xếp vào khung niên đại nửa đầu thế kỷ XV, trong thời Lê Sơ, các lò gốm ở Thăng Long chưa phát triển. Theo PGS Bùi Minh Trí, đây có thể là đồ triều cống của vương triều Vijaya với triều đình Thăng Long.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết ông đã nghiên cứu, so sánh kỹ thuật kê nung giữa gốm men Lý - Trần ở Thăng Long với gốm men Gò Sành, Bình Định. Và nhận thấy có mối quan hệ khá rõ ràng qua kỹ thuật kê nung, với cách chế tạo, sử dụng con kê và các dấu kê để lại trên đồ gốm. Đồng thời, có thể nhận ra sự tương đồng về kiểu dáng, sản phẩm gốm men độc sắc… giữa các loại hình gốm giai đoạn này ở cả hai khu vực sản xuất. 

Từ đó, ông Tín nhận định: Kỹ thuật sản xuất gốm men của lò Gò Sành là do người Việt đưa vào. Đồng thời thợ gốm Việt còn kết hợp với thợ gốm Chăm đưa sản phẩm hợp tác này thành dạng sản phẩm Chăm - Việt rất đặc trưng cho mối quan hệ Đại Việt - Champa trong lịch sử, giai đoạn khoảng nửa cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XV. 

“Ít nhất với vai trò nắm bắt thuần thục bí quyết sản xuất gốm men, thợ Việt thời Trần bằng con đường nào đó đã xuất hiện tại các trung tâm gốm men Bình Định và đóng vai trò như các thợ cả kết hợp với thợ gốm bản địa sản xuất ra các sản phẩm gốm Gò Sành đặc sắc...”, PGS.TS Tống Trung Tín nhìn nhận. 

Cùng hướng tiếp cận trên, PGS.TS Đặng Văn Thắng (Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh), nhận định: sản phẩm bát, đĩa ve lòng, âu, bình men ngọc, men nâu, bát men ngọc vẽ nâu của gốm Champa chịu “ảnh hưởng đậm đà” gốm Việt Nam. Theo đó, nhiều khả năng người Chăm học hỏi kiểu ngói mũi nhọn, ngói cánh sen của người Việt vào thế kỷ XIII - XV. Ngược lại, người Việt học kiểu làm gạch và gốm kiến trúc màu đỏ đẹp, không bị nấm mốc dùng trong xây dựng Hoàng thành Thăng Long. 

“Champa có mối quan hệ chặt chẽ với gốm Việt Nam qua kỹ thuật dùng con kê, kỹ thuật ve lòng và sử dụng bao nung...”, PGS.TS Đặng Văn Thắng khẳng định. 

40 tham luận, trong đó có 16 nghiên cứu của các học giả nước ngoài, hợp thành kỷ yếu dày hơn 700 trang với nhiều tư liệu, hình ảnh lần đầu tiên công bố. Nhà nghiên cứu Hanapi Haji Maidin (Bảo tàng quốc gia Brunei), cho biết ở Brunei - quốc gia là trung tâm thương mại quan trọng thời cổ đại, đã nhập khẩu nhiều loại gốm xuất xứ từ Bình Định. Ông khẳng định gốm cổ Bình Định có vai trò quan trọng trong việc cung cấp đồ gốm ở đất nước này.