Trăm người bán vạn người mua
Thấy con bị còi xương, gày còm, vợ chồng chị Vũ Thị Tuyết (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) lo lắng bảo ông bà ở quê làm thịt cóc gửi cho cháu ăn. Sau khoảng một giờ, bé nôn ói, quấy khóc, thở mệt… nên gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi sơ cứu rửa dạ dày, cho than hoạt tính để hấp thu bớt độc chất, các bác sĩ đã chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi TW để tiếp tục điều trị. Cũng may là cháu được cấp cứu sớm nên chỉ sau hai ngày là tình trạng bệnh đã cải thiện, nhịp tim trở về bình thường.
Thực tế có rất nhiều gia đình như chị Tuyết, nhìn con ốm yếu, còi cọc, nghe mọi người mách mua thịt cóc để bồi dưỡng cho con. Thịt cóc như một món ăn được lưu truyền từ nhiều đời nay, và có hẳn một cộng đồng những người đi buôn bán cóc. Trên đường phố, các ngóc ngách, không khó để bắt gặp những tấm bảng quảng cáo di động: “Bán cóc vàng, làm ruốc, chả bông tại nhà. Chữa các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn chậm lớn”. Chị Bùi Thị Lê (Thanh Hoá) ra Hà Nội bán cóc từ nhiều năm nay, nhà chị ba đời nay đều làm nghề này. Chị cho biết, ở quê mình có rất nhiều người làm nghề thịt “cậu ông trời”, họ đi khắp các tỉnh miền Nam, miền Bắc, hoặc có những người đi về các vùng quê mua thu gom, bán lại cho các đầu mối lớn.
Chất độc có trong cóc là bufotoxin. Chất độc này tồn tại trên khắp cơ thể cóc, từ da cho đến gan, mật, tim. Nhựa cóc chứa cholesterol, axit ascorlic, và một số chất độc như byfotoxin, bryotalin, bufotenin, cynobufagin…
Ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhựa cóc trong y khoa, nên việc sử dụng nhựa cóc cần phải thận trọng vì chất độc bufotoxin là một chất không thể bị hủy bởi nhiệt độ.
Hàng năm có khá nhiều người đến viện cấp cứu vì ngộ độc thịt cóc, và không ít trường hợp tử vong. Báo chí nêu lên cũng nhiều song người dân vẫn rất mặn mà với nó. Mặc dù giá cóc rất cao, nhưng người mua không phải là ít. 1kg cóc sống bán với giá từ 70-100 ngàn đồng, 1kg chà bông cóc giá 500-700 ngàn đồng.
Ở các khu chợ bán cóc, khách không phải nhúng tay vào làm, mọi thứ đều phó mặc cho người bán. Những người bán dạo thịt cóc này sẵn sàng làm thịt tại chỗ cho khách và bảo đảm, với tay nghề của họ, cóc sẽ được lọc bỏ hết “lục phủ ngũ tạng” để khỏi độc.
Thay thế bằng các loại thịt khác
Thịt cóc chứa 53% protein, trong đó có nhiều acid amin có giá trị, sắt, phốt pho, calci và các vi lượng. So với các loại thịt có giá trị như thịt lợn, bò, gà, vịt… thì giá trị dinh dưỡng của thịt cóc là tương tự.
Vậy tại sao từ xưa đến nay các cụ cứ cho con cháu ăn thịt cóc để bồi bổ dù biết nó có độc? Thời xưa nước ta nghèo khổ, chỉ quan lại và vua chúa mới dễ dàng được ăn thịt gà. Những người đã mắc bệnh còi xương thường là người nghèo thì không bao giờ dám mơ đến. Cóc là động vật phát triển rất nhanh vào mùa mưa, không cần nuôi mà chỉ cần bắt là có. Khi ốm yếu, các thầy lang sẽ chỉ cho bài thuốc từ cóc để chữa bệnh. Cóc là con vật xấu xí, gớm ghiếc, khi bắt nó sẽ phản kháng lại chúng ta bằng cách bắn chất dịch có độc. Làm được món ăn từ cóc không phải dễ, điều đó cũng khiến người bệnh có cảm giác nó quý hiếm và bổ dưỡng.
Các kết luận khoa học đã chứng minh giá trị dinh dưỡng trong thịt cóc không hơn các loại thịt khác. Vậy, tại sao bạn lại phải đặt sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình vào vận hên, xui với thịt cóc. Bởi, nếu may mắn thì không sao, nhưng nếu bạn bị trúng độc thì sau khi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, nó sẽ gây tác hại nghiêm trọng đối với tim, hệ tiêu hóa và trung khu thần kinh. Người ngộ độc nghiêm trọng, cấp cứu không đúng cách hoặc chữa trị muộn, có thể chỉ trong vòng 2-24 tiếng sẽ bị tử vong vì suy kiệt hô hấp hoặc tuần hoàn.
Chỉ là một trong những vị thuốc
Trường hợp có ai đó nuốt gan, mật cóc sống mà không chết, thì đó chỉ là trường hợp cá biệt do cơ địa có những cơ chế hấp thu đặc biệt, giống như trường hợp nằm nổi trên mặt nước hay người cầm tay làm cho bóng điện sáng... Còn lại, đa số chúng ta đều không có khả năng đặc biệt đó do vậy cũng đừng làm phép thử với sự sống còn của mình.
Trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi (trang 949) có ghi vị thuốc nhựa cóc có tên là thiềm tô, ngoài thiềm tô, con cóc còn cho ta thịt dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm ở trẻ em. Và tác giả chỉ rõ: Vị thuốc có độc. Chú ý khi dùng phải cẩn thận. Về chế biến thịt cóc làm thuốc, tác giả chỉ dẫn: Chọn những con cóc to, cóc da đen hay da vàng. Tuy nhiên, trong nhân dân hiện nay chỉ tránh dùng loại cóc mắt đỏ mà thôi.
Theo các sách Y học cổ truyền, nhựa cóc có tác dụng tiêu thũng giải độc, chỉ thống, khai khiếu, tiêu tích, cường tâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết, một bài thuốc Đông y có thành phần dược liệu nhựa cóc, hàm lượng cóc chỉ chiếm một lượng nhỏ bên cạnh nhiều vị thuốc có tác dụng kiện tỳ tiêu thực khác nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Từ đó thấy rằng chỉ nên coi cóc là một vị thuốc, không nên mạo hiểm cho trẻ con ăn để tăng cường sức khoẻ.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ ngộ độc thịt cóc:
- Về tiêu hóa: đầy bụng, nôn mửa, hoặc có triệu chứng muốn nôn mà không nôn được. Không tiêu chảy hoặc không đau bụng.
- Mắt trẻ lờ đờ, miệng chảy nước dãi, rên rỉ kêu khóc.
- Chẩn mạch tay thấy tim đập nhanh, nổi gân xanh ở tay, chân, thái dương. Nhịp tim dưới 40 lần/phút do tác động của độc tố bufotoxine.
- Trợn mắt, đứng tròng hoặc đỏ tròng, dẫn đến ngưng thở, đập tay chân.
Trường hợp này người thân phải sơ cứu theo các cách sau: Nếu tim bé ngừng đập, ngưng thở phải làm động tác hô hấp nhân tạo, xoa bóp chỗ tim và lồng ngực. Gây nôn cho bé bằng cách cho uống nước đậu xanh nóng, hoặc dùng siro ipeca 15ml, với 150 ml nước. Uống 2 lòng trắng trứng gà với 1/3 muỗng cà phê muối. Ngay lập tức đưa bé đi bệnh viện.