Suy cho cùng, đó là cách tham gia giao thông không có văn hóa, đi lấn đường của người khác, đến sau lại tìm mọi cách vi phạm luật lệ để đi trước, nhiều lần không bị xử lý trở thành thói quen.
Giao thông trong nội đô Hà Nội, còn ách tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống giao thông trong Hà Nội hiện tại là tương đối hiệu quả (luồng giao thông trung bình đạt 20km/ h trong khi đó Bangkok (Thái Lan) là 9km/ h, Jakarta (Indonesia) là 15km/ h, Manila (Philippines) là 10 km/ h.
Khi tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, phải chờ qua một vài nhịp đèn đỏ, đó là chuyện hết sức bình thường, ở thành phố nào, nước nào mà chẳng có.
Nhưng chuyện không bình thường ở thành phố chúng ta là nhiều người tìm mọi cách để chèn lên trước bằng cách phóng xe lên vỉa hè, bất chấp luật giao thông trong thành phố là “cấm đi xe trên vỉa hè”, hoặc cố lách chèn lên phía trước.
Đáng lẽ xe mình đi thẳng thì đỗ đậu vào làn rẽ phải hoặc trái, đến khi có tín hiệu cho xe rẽ phải hoặc trái đi trước thành ra cản trở các xe khác không rẽ được mà xe của mình vẫn không đi được.
Cách thức tham gia giao thông chỉ biết đến khái niệm “không đi được” thì phải chịu chứ không có khái niệm “không được đi”. Như vậy thì không thể gọi là có văn hóa trong giao thông được.
Chúng ta đều biết rằng, ngay những thành phố có giao thông đông đúc như Bangkok có đoạn đường ùn xe rất dài vẫn làn nào đi vào làn ấy, có làn xe xếp dài hơn làn bên cạnh tới cả trăm mét nhưng họ vẫn không sang vì giữa hai làn đã có vạch liền, không thể vượt qua được.
Văn hóa trong giao thông còn thể hiện ở chỗ sự tham gia giao thông của mình không ảnh hưởng, cản trở giao thông hoặc gây nguy hiểm cho người khác như khi đi trong ngõ rẽ vào đường chính hoặc từ trong nhà ra tham gia giao thông trên đường đều phải phát tín hiệu và chờ khi không gây nguy hiểm cho các phương tiện đang chạy trên đường mới nhập dòng tham gia giao thông.
Người tham gia giao thông của thành phố chúng ta còn mang theo phong cách của phương thức làm ăn nhỏ lẻ, chẳng hạn đang đi trên đường có thể sẵn sàng dừng xe lại ghếch chân lên hè để mua bán hoặc nghe điện thoại ngay cả trong giờ cao điểm không nghĩ rằng mình làm như vậy là cản trở đến hàng loạt người đi sau.
Vì vậy, để người tham gia giao thông có điều kiện chấp hành luật giao thông, giữ gìn văn minh đô thị, đã đến lúc thành phố không nên để buôn bán, bán hàng rong trên vỉa hè trước hết là với các tuyến giao thông chính, tuyến giao thông có dòng giao thông có cường độ cao.
Ở trường hợp thấy thật sự cần thiết, có thể tập trung những hàng rong vào từng khu vực để những người có nhu cầu mua bán có thể ra vào mua bán được thuận tiện.
Người đi bộ khi sang đường một cách có văn hóa là phải đúng nơi qui định, không cắt ngang làm cản trở dòng giao thông trên đường, nghĩa là cũng phải sang đường đúng nơi qui định.
Việc này nghe tưởng như rất bình thường nhưng thực hiện được cũng thật là khó. Người đi bộ hiện nay thường khi cần sang đường là sang ngay, bất kể nguy hiểm cho mình và cho dòng xe đang chạy trên đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, văn hóa trong giao thông, còn cần xử lý nghiêm những trường hợp mang vác cồng kềnh khi tham gia giao thông.
Xây dựng nền văn hóa trong giao thông cũng như văn minh đô thị, chẳng những đòi hỏi sự đồng tình ủng hộ của người tham gia giao thông mà còn cần những người kiểm tra xử lý được trang bị đầy đủ điều kiện và xử lý công bằng, nghĩa là đảm bảo mọi vi phạm đều phải được xử lý, tránh hiện tượng dễ làm khó bỏ ngay cả trong xử lý vi phạm.
Th.S Nguyễn Văn Dư
Chuyên gia dự án ATGT - JICA Hà Nội