> Hàng triệu người sẽ thiếu nước
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng từ ngân sách.
Khởi công từ 2002, so với thời hạn cuối của Hiệp định vay vốn ODA (31-12-2007), dự án đã trễ hạn hơn 4 năm, song đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cả 2 gói thầu “xương sống” của dự án là gói số 7 và gói số 10 rơi vào tay hai nhà thầu Trung Quốc (TQ) với mức bỏ thầu rất thấp.
Liên danh TMEC & CHEC 3 trúng thầu với giá tương đương 456 tỷ đồng, thấp hơn dự toán từ 20 - 30%. Tại gói thầu số 10, một nhà thầu TQ khác là CSCEC được chọn vì đã bỏ thầu hạng mục chính di dời ống cấp nước phi 2.000 (khu vực cầu Điện Biên Phủ) với giá bằng 25 - 35% các nhà thầu khác.
Thấy bất hợp lý, tư vấn giám sát CDM (Mỹ) đã yêu cầu CSCEC chứng minh với mức giá đó nhà thầu sẽ thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ hạng mục. Nhà thầu cam kết làm được.
Gói thầu số 10 lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2009, nhưng nhà thầu vẫn thi công ì ạch cho đến khi bị cắt hợp đồng vào tháng 2-2010 do WB phát hiện CSCEC liên quan nghi án hối lộ trong một dự án cũng do WB tài trợ ở Philippines.
Khi ấy, CSCEC đã thực hiện gần hết các phần việc dễ dàng, có giá trị cao nhất của gói thầu, chỉ còn lại các phần việc khó khăn, giá trị thấp. Gói số 10 gồm 7 hạng mục với tổng giá trị 60 triệu USD. CSCEC đã “xơi tái” phần nạc của gói thầu là xây tường cừ dọc kênh với giá thầu gần 50 triệu USD, chiếm trên 82% giá trị toàn bộ gói thầu.
Với 6 hạng mục còn lại (10 triệu USD) khó khăn hơn, đặc biệt là di dời đường ống cấp nước phi 2.000mm ở chân cầu Điện Biên Phủ (chỉ được bỏ giá 200.000 USD), CSCEC chưa thực hiện hoặc thực hiện lấy lệ.
Do nhà thầu thi công ì ạch, chậm tiến độ, WB phải ba lần gia hạn Hiệp định tín dụng và mới đây nhất là gia hạn đến ngày 31-12-2011, đồng thời bổ sung cho dự án 90 triệu USD để chọn các nhà thầu mới thi công khối lượng công việc còn lại của gói số 10.
Theo Ban QLDA, sau khi cắt hợp đồng với CSCEC, TPHCM đã tách ra làm 5 gói thầu. Các nhà thầu Việt Nam, Mỹ sau này thi công hiệu quả hơn so với CSCEC.
Sau khi đấu thầu lại gói số 10, giá trị hạng mục di dời đường ống cấp nước tăng gấp 10 lần (lên 2 triệu USD) so với giá CSCEC đưa ra. Để kịp hoàn thành đúng thời hạn, UBND TPHCM chấp nhận bớt việc cho TMEC-CHEC 3 bằng cách tách gói thầu số 7 ra thành gói 7A để đấu thầu lại với giá được duyệt là trên 124 tỷ đồng.
Theo Bộ KH&ĐT, việc tách một phần việc của gói thầu số 7 thành gói thầu 7A với giá cao gấp 3 lần tạo ra tiền lệ xấu.
Việc thi công chậm trễ, biến động giá vật liệu cũng như chia tách gói thầu ban đầu thành nhiều gói nhỏ… là nguyên nhân làm kinh phí đầu tư của dự án tăng vọt. Từ mức ban đầu là 199,96 triệu USD, đến nay, tổng mức đầu tư lên gần 400 triệu USD.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM Phan Phùng Sanh, việc bỏ thầu giá thấp là kẽ hở trong Luật Đấu thầu.
Trên thực tế, giá bỏ thầu chấp nhận được chỉ được phép chênh lệch khoảng 5% so với dự toán gói thầu. Nếu bỏ giá quá thấp, nhà thầu chỉ còn cách hạ chất lượng công trình hoặc vẽ các phần việc phát sinh để bù lỗ.