Thi tốt nghiệp THPT: Những điều thí sinh cần lưu ý

TP - Bộ GD&ĐT đã mở cổng hệ thống trực tuyến để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Giáo viên lưu ý, bên cạnh ghi nhớ các mốc thời gian để làm thủ tục cần thiết phải bố trí thời khóa biểu hợp lí để ôn tập có hiệu quả.

Kiểm tra kỹ thông tin đăng ký

Bộ GD&ĐT cho biết, ngày đầu mở cổng hệ thống đã có hơn 196.000 thí sinh đăng kí dự thi (khoảng 20% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay). Trong thời gian đăng ký dự thi chính thức, thí sinh có thể đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra và chỉnh sửa lại các thông tin cá nhân chính xác. Sau khi hết thời gian này, thí sinh sẽ không được quyền thay đổi các thông tin liên quan bài thi/môn thi đã đăng ký. Thí sinh được lưu ý bảo mật thông tin về tài khoản, mật khẩu từ khi đăng nhập vào hệ thống quản lý thi. Đây là thông tin quan trọng để tiếp tục xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp. Từ nay đến kỳ thi còn gần 2 tháng với nhiều mốc thời gian đáng nhớ.

Ví dụ như: Phản hồi các sai sót nếu có trên hệ thống quản lý thi trước ngày 19/5; phản hồi sai sót liên quan xét công nhận tốt nghiệp trước ngày 7/6… Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT cũng công bố đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc trong quá trình làm thủ tục đồng thời cử trực hệ thống cùng bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ các Sở GD&ĐT, các trường THPT trong thời gian thí sinh đăng ký dự thi.

Học sinh lưu ý đăng ký dự thi cần đảm bảo chính xác thông tin (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói, hằng năm dù hướng dẫn nhiều lần nhưng việc đăng ký thi, dự thi thí sinh vẫn có những lỗi sai sót. Khi đăng ký, ảnh thí sinh là cỡ 4x6cm và là ảnh màu được chụp trước đó không quá 6 tháng; kiểm tra kỹ thông tin về mã tỉnh, thành phố, mã trường, khu vực, đối tượng ưu tiên… Do đó, sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu đăng ký dự thi trên hệ thống quản lý thi, đơn vị đăng ký dự thi cần in thông tin của thí sinh, giao cho giáo viên chủ nhiệm chuyển đến học sinh để rà soát một lần nữa và ký xác nhận. Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, thông tin đăng ký dự thi cũng sẽ được ghi trên bằng tốt nghiệp. Do đó, việc thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi đồng nghĩa với việc ký xác nhận kiểm tra thông tin ghi trên bằng sau này.

Phân bổ thời gian hợp lý

Cô Phạm Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), giáo viên cốt cán môn Toán được Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn để luyện thi qua truyền hình cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 nói rằng, thời điểm này cần lập kế hoạch ôn tập, cân đối thời gian cho từng bộ môn tùy theo mức độ kiến thức đã tích lũy được một cách hợp lý, phân chia thời gian tự học tập, ôn tập và làm bài tập phù hợp với thời khóa biểu của các buổi học để hiệu quả nhất.

Nhiều em mong muốn học tốt hơn và nhanh hơn nên ở giai đoạn nước rút cố gắng học thật nhiều kiến thức nhưng quá ôm đồm sẽ sai lầm vì dễ quên ngay sau đó. Cô Huệ khuyên học sinh nên khoanh vùng, chia nhỏ từng mảng kiến thức để củng cố một cách từ từ nhưng có tính vững chắc kiểu lần sau nếu “vấp” dạng này đều sẽ nhớ được. “Để làm được điều đó, học sinh cần xác định rõ nội dung ôn tập: gồm các chủ đề lớn với số câu hỏi, tỷ lệ điểm và các dạng câu hỏi thường thi, điều này được tìm hiểu từ đề thi của các năm trước và đề minh họa của năm 2024. Khi đó các em sẽ thấy các chủ đề thường gặp như đại số, đại số tổ hợp, giải tích, hình học không gian và hình học giải tích… Hãy tích cực luyện tập nhiều bài tập trong các chủ đề này”, cô Huệ nói.