Thi THPT quốc gia môn Ngữ văn: Cần làm rõ những băn khoăn

TP - Đề minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019 hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12, khác hẳn với lộ trình Bộ GD&ĐT công bố trước đó là sẽ gồm kiến thức cả 3 năm THPT.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy Ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh nhận định đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm nay có cấu trúc không thay đổi so với năm trước, tuy nhiên kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. 

Theo thầy Anh, phần đọc hiểu năm nay, đề có tính tư duy rõ ràng, thực sự là phần đọc hiểu không kiểm tra kiến thức ngữ pháp, vì thế không có các câu hỏi dạng sử dụng phương pháp nào…

Một điểm chung mà nhiều giáo viên, học sinh băn khoăn trên diễn đàn đối với môn Ngữ văn là nếu dựa vào đề minh họa để ôn tập thì hoàn toàn không có kiến thức lớp 10 và 11. Tuy nhiên, trong lộ trình mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó là thi THPT quốc gia 2019, đề thi sẽ bao gồm kiến thức 3 năm THPT.

Các giáo viên cho rằng, Bộ GD&ĐT cần làm rõ vấn đề giáo viên, học sinh băn khoăn bởi đến nay, ngoài đề minh họa Bộ GD&ĐT vừa mới công bố thì không có văn bản nào hướng dẫn kiến thức sẽ thi nằm trong chương trình nào.

Trước đó, theo văn bản hướng dẫn ôn tập do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký cũng nói một cách chung chung là nội dung kiến thức sẽ nằm trong chương trình THPT nên giáo viên, học sinh chưa rõ.

Theo các giáo viên, điều này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch, lộ trình ôn tập của các trường. Nếu đề thi chỉ gói gọn kiến thức ở lớp 12 như đề minh họa giáo viên có hướng ôn tập phù hợp.

Tránh để chuyện đề minh hoạ kiến thức hoàn toàn trong lớp 12 nhưng đề thi chính thức lại gồm kiến thức lớp 10 và 11 sẽ khiến học sinh bất ngờ.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, dựa vào đề minh họa năm nay, có thể thấy, phần đọc hiểu vắng bóng những câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ. Vì vậy, học sinh cần chú trọng vào việc đọc hiểu đoạn văn. Phần làm văn (7 điểm) khá “làm khó” học sinh khi yêu cầu học sinh phân tích hai chi tiết, bối cảnh trước và sau của nhân vật trong tác phẩm.

Bởi đây là dạng đề khó, học sinh dễ sa đà, kể lể, phân tích nhân vật thay vì làm trúng đề là phân tích chi tiết và so sánh. Vì thế, trong quá trình ôn tập, học sinh cần học kỹ từng chi tiết trong tác phẩm để phân tích, so sánh. Để làm được dạng đề này, mỗi tác phẩm, học sinh cần đào sâu từng tác phẩm để học về tác giả, hoàn cảnh ra đời, các chi tiết trong tác phẩm.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên dạy Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) phân tích, từ kì thì THPT Quốc gia năm 2017, đề thi môn Ngữ văn có nhiều sự thay đổi. Đặc biệt, trong câu Nghị luận xã hội, thay vì yêu cầu học sinh viết bài văn khoảng 600 từ, đề thi yêu cầu các em viết đoạn văn khoảng 200 chữ.