Thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ sẽ thực hiện hoàn toàn trên máy tính

TPO - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trong đó có quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ. 
Từ ngày 1/7/2022 tất cả các kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Anh đều được tổ chức thi trên máy vi tính.

Điểm mới của Thông tư là trước đây, các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính. Từ ngày 1/7/2023 tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính.

Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ sẽ bao gồm: Cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo nghành ngôn ngữ tiếng nước ngoài; đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm ngoại ngữ - tin học do chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập.

Các đơn vị này phải có đội ngũ nhân sự quản lí, chấm thi, ra đề thi, phân tích dữ liệu và kỹ thuật viên đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Có ít nhất 3 cán bộ phân thích đề thi; ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 4 cán bộ đối với ngoại ngữ khác…

Về cơ sở vật chất, phải có đủ phòng thi, phòng chức năng để thi cả 4 kỹ năng gồm: nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 100 thí sinh trong 1 lượt thi với các yêu cầu về âm thanh, ánh sáng, bàn, ghế, camera giám sát…

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi theo hướng dẫn của Bộ. Ngân hàng câu hỏi phải bám sát định dạng đề thi và hướng dẫn làm đề thi theo từng định dạng đề thi được Bộ GD&ĐT quy định, đảm bảo chính xác, khoa học, chặt chẽ.

Ngân hàng câu hỏi thi được quản lí bằng phần mềm đảm bảo các yêu cầu bảo mật, phân quyền trong sử dụng đáp ứng yêu cầu như: từ 1/7/2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho học sinh tiểu học, học sinh THCS – THPT đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 50 đề thi; ngoại ngữ khác ít nhất 30 đề thi; số lượng câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

Số lượng đề thi tương đương nhau tại 1 thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác: Tiếng Anh có ít nhất 70 đề; ngoại ngữ khác ít nhất có 30 đề.

Hằng năm, các đơn vị phải rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng.