> Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia
Sáng tinh mơ, từ Đồn biên phòng 661 đóng tại xã Đắc Pre (huyện Nam Giang), chúng tôi được trang bị như lính biên phòng bắt đầu hành quân lên cột mốc 727 (Quảng Nam có 61 cột mốc giáp ranh nước bạn Lào).
Tính theo đường chim bay chỉ 5 km, nhưng để lên đến cột mốc phải đi bộ gần 20 km đường rừng nhiều đoạn bùn ngập sâu quá đầu gối, những con dốc cao dựng đứng nghe tên đã sợ như dốc Khom lưng, Mẹ ơi... dài dằng dặc cả mấy cây số. Sau vài giờ đi bộ, tay chân chúng tôi bắt đầu rỉ máu vì vắt cắn.
Đi được nửa ngày đường, đến km 15 của tuyến đường tuần tra biên giới mới mở, chúng tôi phải dừng chân vì quá mệt. Lán trại dã chiến được bộ đội dựng ngay giữa rừng. Tiết trời vào đông, gió rừng Đắc Pre lạnh buốt. Ở độ cao gần 1.500m, nơi đây quanh năm mây mù, núi rừng âm u, buốt giá.
Đêm ngủ võng, cùng chia nhau gói mì, lương khô, điếu thuốc với các chiến sĩ để ngày mai tiếp tục lên đường. Thêm nửa ngày đi bộ giữa rừng, chúng tôi mới đặt chân đến lán trại của đội xây cột mốc khi xương cốt mỏi nhừ.
Cột mốc là nhà
Trong đợt làm cột mốc này, Đội cắm mốc Quảng Nam cùng phía Lào sẽ xây dựng 3 mốc (727,728,729), dự kiến kéo dài gần 20 ngày. Lán trại đội cắm mốc hai nước dựng đơn sơ giữa núi rừng. Lán chật chội, thiếu thốn, bê bết bùn đất. Anh em phải hứng nước mưa để nấu nướng. Thức ăn hạn chế bởi cách trở xa xôi, cứ mỗi tuần anh em thay phiên nhau xuống núi gùi hàng lên, mỗi người gùi 30 kg lương thực. Đội cắm mốc Quảng Nam gồm 15 người.
Sau 3 ngày mưa, lạnh buốt, cột mốc 727 hoàn thành, phân chia lãnh thổ 2 nước giữa núi rừng. Nghi thức chào cột mốc Tổ quốc được cử hành nghiêm trang. Những cái bắt tay thắm thiết thể hiện tinh thần hữu nghị giữa bộ đội biên phòng Việt – Lào làm ấm lòng chiến sĩ.
Ông Đàm Hữu Hoạt (58 tuổi, quê Nam Định, gắn bó công tác cắm mốc biên giới hơn 10 năm nay) tâm sự: Từ lâu đã xem cột mốc là nhà.
“Khổ ải, thiếu thốn nhưng nghĩ đến nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó, chúng tôi đều tự hào và cố gắng”, ông Hoạt nói.
Mỗi năm, ông Hoạt về quê thăm vợ con vài lần, thời gian còn lại gắn bó với khảo sát, đo đạc, xây dựng mốc biên cương chủ quyền đất nước.
Huỳnh Ngọc Tuấn (SN 1987), cán bộ kỹ thuật trẻ nhất mới tham gia đội gần 3 tháng, tâm sự: “Những ngày đầu lên biên giới cắm mốc, mình ốm suốt. Nhớ nhà, nhớ người yêu, nhưng mình quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”. Đây là cột mốc thứ 3 Tuấn cùng anh em góp sức xây dựng.
Trung úy Phạm Tường Vân (SN 1975) phụ trách quân y, kiêm đầu bếp. Phiên dịch viên Bloong Quỳnh (SN 1980) cũng đã có 3 năm gắn bó với công việc này.
Sẻ chia gian khó
Cột mốc 727 như nằm giữa lưng chừng trời. Đội cắm mốc hai nước đã tính toán đo đạc kỹ lưỡng trước khi đặt móng. Toàn bộ nguyên vật liệu được máy xúc vận chuyển theo đường công vụ sình lầy đưa lên. Hàng trăm mét khối đá, cát cùng xi măng, cốt thép và cột mốc lần lượt được vận chuyển lên địa điểm đã được phát quang.
Từng nhát xẻng đầu tiên được phát lệnh. Toàn bộ công nhân, chiến sĩ bắt đầu công việc giữa mưa gió bập bùng. “Mỗi cột mốc phải được đặt đúng vị trí một cách tuyệt đối, có sự giám sát của hai bên. Cột mốc không được sai số dù chỉ là một milimet”, ông Hoạt cho biết.
Chưa kể thời gian phát đường mở lối và định vị vị trí mốc sẽ đặt, phải mất hơn 3 ngày, mới hoàn thành việc xây cột mốc.
Nu Xèng, kỹ thuật viên tổ cắm mốc nước bạn Lào, chia sẻ: “Tình đoàn kết được thắt chặt hơn qua từng cột mốc được cắm. Anh em hai nước chia nhau gian khổ, khó khăn giữa núi rừng. Chúng tôi sát cánh với quân dân Việt Nam để cùng hoàn thành nhiệm vụ mà tổ quốc hai bên giao phó. Mỗi cột mốc được cắm là niềm vui chung”.