Thêm một dòng sông chết

TP - Nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp (KCN) Long Thành (Đồng Nai) từng được coi là doanh nghiệp điển hình về bảo vệ môi trường. Song, thật bất ngờ, suốt năm năm qua, nó âm thầm bức tử dòng sông Đồng Nai với trên 14 triệu m3 nước thải bẩn.

> Còn bao nhiêu Vedan nữa?
Đồng Nai: Nhà máy xử lý nước thải xả trộm nước thải bẩn

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 4-8, Phòng 2, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an bắt quả tang Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu Công nghiệp (KCN) Long Thành, do Công ty Cổ phần dịch vụ Sonadezi Long Thành trực thuộc Tổng công ty Phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi Đồng Nai - doanh nghiệp nhà nước do tỉnh Đồng Nai quản lý), đang xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Đây được xem là vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận. 

Từng là DN điển hình về bảo vệ môi trường

Được Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường từ năm 2003, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành (XLNT Long Thành) có chức năng làm dịch vụ xử lý nước thải công nghiệp cho các nhà máy trong KCN Long Thành. Theo thiết kế, nhà máy này có công suất xử lý 10 ngàn m3 nước thải/ngày đêm. Cho đến nay, nhà máy XLNT Long Thành đã xử lý trên 9.300m3 nước thải/ngày đêm cho trên 40 nhà máy trong KCN.

Theo quy trình, các nhà máy buộc phải đấu nối hệ thống nước thải vào nhà máy XLNT Long Thành để xử lý trước khi xả thải ra môi trường là rạch Bà Chèo- sông Đồng Nai và các doanh nghiệp buộc phải trả tiền xử lý nước thải cho nhà máy tính theo từng mét khối.

Tỉnh Đồng Nai đã xem nhà máy này là điển hình trong việc áp dụng mô hình xử lý nước thải tập trung để áp dụng cho tất cả các KCN trong tỉnh đảm bảo nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, với những gì C49 phát hiện cho thấy nhà máy XLNT Long Thành đã không thực hiện đúng quy trình xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

Cụ thể, rạng sáng 4-8, lực lượng trinh sát C49 phát hiện cửa xả của nhà máy đang xả nước thải ra một suối Bà Chèo dẫn ra sông Đồng Nai. C49 phát hiện nhân viên nhà máy vận hành hệ thống xử lý nước, nhưng hệ thống xử lý vi sinh không hoạt động, nước thải sau xử lý có màu đen đặc, nóng bốc hơi.

Cùng ngày, C49 phát hiện nước thải được dẫn theo đường ống ngầm bê tông đường kính 30 cm, dài khoảng 600 m, chảy ra hồ hoàn thiện có diện tích 1.000 m2 (thể tích 35.000 m3). Từ hồ này có 3 cống ngầm, trong đó 2 cống xả nước mặt, 1 cống xả đáy được chôn ngầm có đoạn sâu hơn 3m dẫn nước thải ra mương hở đổ ra suối Bà Chèo rồi dẫn ra sông Đồng Nai.

Theo xác minh ban đầu của C49, trong đêm 3-8, có khoảng 9.300 m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn được thu gom từ 42 công ty, doanh nghiệp tại KCN Long Thành rồi đổ ra môi trường ngoài.

Lực lượng chức năng đào đường cống ngầm của nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành.

Sonadezi thừa nhận sai phạm

Một ngày sau khi vụ việc bị phát hiện, trả lời báo chí, ông Chu Thanh Sơn, Phó TGĐ Tổng Cty Phát triển KCN Biên Hòa cho biết, Tổng Cty đang thu thập thông tin nên chưa trả lời gì được. Trong khi đó, với chức năng quản lý về môi trường, ông Lê Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT Đồng Nai khẳng định, với những gì thể hiện trong biên bản vi phạm, Sonadezi đã thừa nhận sai phạm.

Ông Đức cũng cho rằng, nếu Sonadezi xử lý đúng quy trình thì 80% nước thải trong KCN Long Thành cũng không đạt chuẩn khi xả ra môi trường, bởi đây là nước thải dệt nhuộm, xử lý độ màu loại nước thải này là rất khó.

Sonadezi Long Thành đã cải tạo nâng cấp nhà máy để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo lộ trình đặt ra vào tháng 6-2012. Điều này cho thấy, mỗi ngày đã có hàng ngàn khối nước thải độc hại xử lý chưa đạt chuẩn đã được đẩy ra môi trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đấu nối vào nhà máy vẫn phải đóng đủ phí xử lý theo quy định. Ông Đức cũng lý giải hệ thống ống ngầm được chôn sâu dưới đất là do nhà máy với cổng xả nước có chênh lệch độ cao nên phải đặt âm dưới đất.

Họng xả nước thải của nhà máy XLNT Long Thành bị phát hiện xả nước ô nhiễm ra sông.

Điểm lại quá trình hoạt động của nhà máy XLNT Long Thành của Sonadezi Long Thành, nhiều người giật mình trước những sai phạm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này. Năm 2009, Thanh tra Cục môi trường thanh tra 2 lần và xử phạt doanh nghiệp 17 triệu đồng mỗi lần do sai phạm xả nước thải ô nhiễm vượt tiêu chuẩn. Cũng với hành vi này năm 2010, doanh nghiệp này bị xử phạt 51 triệu đồng và năm 2011 bị xử phạt 75 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên ngày 5-8, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai nói: “Mức độ, hành vi sai phạm của doanh nghiệp còn chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, tuy nhiên tôi thực sự bất ngờ bởi Sonadezi Đồng Nai là doanh nghiệp có thương hiệu trong lãnh vực đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, lâu nay DN này là một hình mẫu toàn diện về bảo vệ môi trường qua việc trồng cây xanh trong KCN, về xử lý nước thải. Hơn nữa đây là một DN nhà nước, tôi không nghĩ rằng họ làm ăn gian dối?”.

Không phải đến khi lực lượng Cảnh sát môi trường bắt quả tang Cty CP Sonadezi Long Thành xả chui nước thải, người dân ở ấp 2, xã Tam Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) mới phản ánh về tình trạng môi trường bị ô nhiễm, mà từ nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền phản ánh về tình trạng kênh rạch bị ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bà Trần Thị Thu Hương có nhà gần rạch Bà Chèo phản ánh, từ khi nhà máy xả nước thải ra kênh rạch, nước kênh ở đây đen thui, hôi thối không chịu nổi, cây trồng nhà chết rụi cả, gà vịt không nuôi được, gửi đơn nhiều nơi vẫn không thấy ai quan tâm.

Dẫn chúng tôi dọc theo rạch Bà Chèo đến miệng cống xả nước của nhà máy xử lý nước thải Long Thành, ông Nguyễn Văn Trai cho biết: “Bao nhiêu năm người dân chúng tôi dựa vào sông rạch ở đây để làm vườn, nuôi vịt, nuôi tôm cá mưu sinh nhưng vài năm trở lại đây nước ô nhiễm không còn nuôi trồng gì được”.

Ông Trai nói kênh rạch ở đây đã ô nhiễm không kém gì sông Thị Vải ô nhiễm do Cty Vedan gây ra. Hai ha sầu riêng của ông đã lần lượt chết rụi. Nằm kề hồ sinh thái chứa nước thải của nhà máy là gia đình bà Lê Thị Năm (75 tuổi).

Cũng như những người dân ở ấp 2 này, bà Năm phản ánh: “Gia đình tôi có 8 đìa nuôi tôm cá nhưng nay đã phải bỏ hoang vì không tôm cá nào sống được”.

Dùng cây khuấy nhẹ xuống đáy đìa, ngay lập tức nước đìa đen ngòm hôi thối. Bà Năm nói hôm rồi mua về đàn vịt thả xuống đìa, đàn vịt bị nhuộm đen, vài hôm lăn quay ra chết sạch. Trong vườn bà Năm nhiều cây dâu tây đã chết khô do thối gốc.

Neo chiếc thuyền chài dưới con rạch đen ngòm, ông Nguyễn Văn Hải cho biết, trước đây trong ấp có khoảng 20 hộ làm nghề lưới cá, nhưng nay nước ô nhiễm không còn tôm cá, mọi người bỏ nghề hết, chỉ còn ông phải đi ra sông lớn mới kiếm được vài ký mỗi ngày.

Theo Báo giấy