Thế giới sẽ ngập tràn sừng tê giác giả làm từ lông ngựa?

TPO - Các nhà khoa học vừa phát triển được một phương pháp làm ra sừng tê giác giả từ lông ngựa trông giống hệt sừng tê giác thật, kể cả khi cắt sừng ra để quan sát kỹ.
Thế giới hiện chỉ còn 20.000 con tê giác trắng, 5.000 con tê giác đen và 3.500 con tê giác một sừng. Ảnh: Livescience.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oxford (Anh) tạo ra sừng tổng hợp bằng gách dùng keo gắn các sợi lông ngựa lại với nhau theo cấu trúc bắt chước đặc tính collagen của sừng tê giác thật.

Trong tự nhiên, tê giác bị săn trộm, cắt lấy sừng bán cho người mua với giá rất cao vì nhiều người tin rằng loại sừng này có thể chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả ung thư.

Tình trạng săn trộm liên miên và môi trường sống của tê giác bị mất khiến số lượng tê giác giảm mạnh trong những năm qua. Theo tổ chức bảo tồn Save the Rhino (Cứu tê giác), riêng năm 2018 ở châu Phi, 892 con tê giác bị giết để lấy sừng.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, thế giới hiện chỉ còn 20.000 con tê giác trắng, 5.000 con tê giác đen và 3.500 con tê giác một sừng. Hai loài tê giác đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp là tê giác Sumantra (chỉ còn chưa đầy 80 con) và tê giác Java (ít hơn 68 con).

Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm buôn bán quốc tế sừng tê giác từ năm 1977. Nhưng mỗi nước lại có luật riêng cho phép hoặc cấm mua bán sừng tê giác trong lãnh thổ nước mình, theo Save the Rhino.

Tê giác đen ở Nam Phi bị bọn săn trộm bắn chết, cưa mất sừng. Ảnh: National Geographic.

Trong kết quả nghiên cứu được đăng tải ngày 8/11 trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học ở Đại học Oxford thông báo họ có khả năng tạo ra các mẫu sừng tê giác trông giống và sờ vào giống hệt sừng tê giác thật. Họ hy vọng là loại sừng giả này sẽ được tung ra thị trường với số lượng lớn khiến người mua nhầm lẫn, làm giảm nhu cầu đối với sừng tê giác thật, phá giá thị trường, làm giảm động lực của các đối tượng săn trộm, hỗ trợ công tác bảo tồn loài tê giác.

Giáo sư Fritz Vollrath, một trong các nhà nghiên cứu chính, nói với CNN: “Sừng tê giác không phải là chất gì đó thần kỳ. Nó chỉ là lông mà thôi, dính vào nhau từ chất nhầy từ mũi chảy ra. Chả có gì đặc biệt cả, không có gì thần kỳ cả”.

Sừng tê giác được cấu tạo từ chất keratin, thành phần trong móng tay, móng chân người. Đây là poster của WFF trong chiến dịch chống lại vấn nạn săn trộm tê giác lấy sừng. Nguồn: Traffic.

Nghiên cứu chế tạo sừng tê giác giả của các nhà khoa học được đánh giá cao nhưng cũng gây hoài nghi. Người phát ngôn của WWF nói rằng, họ không tin việc tung ra thị trường sừng tê giác giả sẽ làm giảm tình trạng săn trộm vì nhiều người mua sẽ tìm mọi cách để lùng mua sừng thật để trưng bày hoặc dùng làm thuốc.

Ngoài ra, sừng tê giác giả trông giống hệt sừng thật khiến cơ quan thực thi pháp luật khó xử lý các trường hợp mua bán, nhất là khi sừng được nghiền thành bột hoặc trở thành một thành phần trong thuốc chữa bệnh hoặc món hàng sản xuất nào đó. Người bị bắt có thể biện hộ là họ đang mua bán sừng làm từ lông ngựa.